Mỹ - Trung Quốc: Khó có thể đạt một thỏa thuận thực sự
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có ảnh hưởng thế nào? | |
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thành? | |
Mỹ để ngỏ khả năng kéo dài thời hạn chót tăng thuế với hàng Trung Quốc |
Anh mạnh tôi cũng mạnh
Sự lạc quan đang tăng lên trước khả năng Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận thương mại (TTTM), với một vòng đàm phán chuyên sâu khác đang diễn ra ở Washington trong tuần này. Tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư đang phớt lờ là các cuộc đàm phán dường như đang trở thành một bài kiểm tra về sức mạnh giữa 2 cường quốc kinh tế thế giới - hay chính xác hơn là về mức độ chính xác mà mỗi quốc gia đang nhìn nhận về sức mạnh của chính mình.
Một thực tế không mấy dễ chịu hiện nay là cả 2 cường quốc đều không có quyền áp đặt ý chí lên quốc gia còn lại. Hoa Kỳ không thể bắt buộc Trung Quốc phải làm theo mệnh lệnh của mình, trong khi Trung Quốc cũng không đủ mạnh để xa lánh với thế giới phương Tây.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không dễ để giải quyết tận gốc |
Nhìn từ những gì chúng ta biết về các cuộc đàm phán đã và đang diễn ra, 2 bên đã đạt được tiến bộ trong việc thu hẹp thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ thông qua việc Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn đậu nành, vi mạch và các sản phẩm khác của Mỹ. Cả 2 dường như cũng đang tiến hành một số bước tiến về mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các vấn đề mang tính cấu trúc sẽ đạt được bước tiến đột phá, như đòi hỏi của Hoa Kỳ về việc Trung Quốc phải cải cách cơ bản các chính sách hiện nay - điều mà Washington cho là Trung Quốc đang thiên vị và chống lại các DN Mỹ, như trợ cấp lớn cho các công ty Trung Quốc và buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Đấy mới là những vấn đề quan trọng thực sự của bất kỳ thỏa thuận nào và những cải cách cơ bản này sẽ thực sự làm thay đổi mạnh mẽ nền kinh tế Trung Quốc và thúc đẩy cạnh tranh nhiều hơn.
Nhưng không ngạc nhiên khi Trung Quốc sẽ từ chối chấp nhận những đòi hỏi như vậy, bởi để đáp ứng các yêu cầu đó, đòi hỏi Bắc Kinh phải “đại tu” cách thức hoạt động của nền kinh tế Trung Quốc. Hơn nữa, việc sử dụng các áp lực kinh tế để thúc đẩy các nước phải thực hiện những gì mà họ không muốn làm cũng rất khó thành công. Ví dụ vào năm 1973, khi các quốc gia Ả Rập áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Mỹ để trả đũa cho sự ủng hộ của Mỹ với Israel thì người Mỹ đã chọn cách xếp hàng dài để chờ mua xăng thay vì quyết định bỏ rơi đồng minh của họ ở Trung Đông.
Hiểu mình, song cũng phải hiểu người
Những thống kê gần đây cho thấy, việc Mỹ cố gắng buộc hàng hóa Trung Quốc phải đóng thuế nhiều hơn có thể là một chiến lược thất bại. Chẳng hạn, dữ liệu thương mại tháng 1 cho thấy, tổng xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng hơn 9% ngay cả khi xuất khẩu sang Mỹ bị giảm 2,4%. Nói cách khác, thị trường Hoa Kỳ rất quan trọng đối với Trung Quốc, nhưng phần còn lại của thế giới cũng quan trọng không kém.
Ngay cả tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei hiện đang đối mặt với một chiến dịch được dẫn dắt bởi Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn việc sử dụng các thiết bị của họ cho mạng 5G, nhưng Huawei vẫn có thể phát triển mạnh bằng cách tập trung vào các thị trường khác ngoài phương Tây. Theo công ty nghiên cứu Strategy Analytics, thị phần trong mảng điện thoại thông minh của Huawei gần như đã ngang bằng với Apple trong năm ngoái.
Trong khi đó, Trung Quốc đã gây ra một số “nỗi đau thương mại” cho Hoa Kỳ. Chỉ cần hỏi những người nông dân trồng đậu nành hay những DN Mỹ chuyên doanh mặt hàng này, sẽ thấy những chuyến hàng đến Trung Quốc đã giảm mạnh khi các nhà nhập khẩu của quốc gia này chuyển sang tìm kiếm nguồn hàng ở Brazil và các nước khác để né cuộc chiến thuế quan.
Mặc dù đúng là nền kinh tế Trung Quốc đang thực sự tăng trưởng chậm lại, nhưng điều đó không liên quan nhiều đến thuế quan mà chủ yếu nằm ở những vấn đề nghiêm trọng trong nội tại nền kinh tế, như mức nợ cao - và Chính phủ đang cố gắng giảm thiểu bằng cách kiểm soát việc mở rộng tín dụng.
Nhưng đồng thời, hoạt động kinh doanh của Trung Quốc cũng đã làm dấy lên một tâm lý e ngại trên thế giới. Đó không chỉ là cơn lũ hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc mà nhiều quốc gia phải đối mặt, hay những rắc rối mà các công ty nước ngoài gặp phải khi cố gắng kinh doanh ở Đại lục, mà đó còn là chế độ kiểm duyệt và giám sát của Trung Quốc ở trong nước và các chương trình được nhà nước tài trợ nhằm thống trị các ngành công nghiệp tiên tiến. Đã có những nước đã và đang xem xét quyết định “đóng cửa” với một số công ty Trung Quốc.
Có thể các nhà chức trách ở Bắc Kinh tin rằng, Trung Quốc không còn cần sự tiếp cận với người tiêu dùng hay các bí quyết của phương Tây và đồng minh. Nhưng, với việc Trung Quốc vẫn đang phải theo đuổi Hoa Kỳ, châu Âu hay Nhật Bản về sự đổi mới và giàu có, thì cách nghĩ như vậy sẽ đặt tương lai Trung Quốc vào rủi ro lớn. Huawei có thể tìm được các khách hàng mới ở châu Phi, Trung Đông hay những nơi khác nhưng họ vẫn cần các vi mạch của Mỹ để sản phẩm của họ có thể hoạt động.
Dưới góc nhìn đó, thì dù tới đây, 2 bên có thể đạt một TTTM hời hợt nào đó và điều này có thể tạm thời làm dịu đi những quan ngại của thị trường, nhưng sẽ không giải quyết được các vấn đề mang tính cốt lõi như trên. Và căng thẳng sẽ tiếp diễn cho đến khi mỗi bên không còn quá đề cao sức mạnh của chính mình, biết thừa nhận những điểm yếu của mình và quan tâm đến vị thế của quốc gia đối tác trước khi họ có thể tạo nên mối quan hệ bền chặt hơn.