Năm 2016, áp lực lạm phát tăng sẽ trở lại
Ảnh minh họa |
Lạm phát ở Việt Nam từng ở con số 18,58% vào năm 2011, kinh tế vĩ mô đi vào bất ổn trong năm đầu của giai đoạn 2011 – 2015. Và đến nay, khi kết thúc giai đoạn, một nhiệm kỳ đầy khó khăn, lạm phát đã được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định. Đặc biệt, lạm phát năm 2015 chỉ 0,63%, không chỉ là con số rất thấp so với lạm phát năm 2011 mà còn lập kỷ lục khi ở mức thấp nhất trong vòng 14 năm qua.
Việc lạm phát thấp ở mức kỷ lục như vậy đã vượt qua mọi dự đoán của các chuyên gia ngay từ đầu năm. Bởi, ngay cả những dự báo lạc quan nhất hồi đầu năm thì cũng chỉ đưa ra ở mức 2-3%.
Tuy nhiên, xét diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) qua các tháng và so sánh với một số năm gần đây, có thể thấy CPI tăng thấp là điều có thể hiểu được trong bối cảnh các mặt hàng do nhà nước quản lý, ví dụ dịch vụ y tế - vốn là một trong những tác nhân tăng giá mạnh mẽ trong một số năm trở lại đây, chỉ tăng 1,82% trong năm nay, đóng góp 0,07% vào chỉ số chung.
Ngoài ra, học phí các cấp cũng chỉ tăng ở một số địa phương khiến chỉ số giá nhóm giáo dục năm 2015 chỉ đạt mức 2,54%, đóng góp vào lạm phát chung là 0,12%.
Một yếu tố quan trọng khác khiến lạm phát năm nay tăng thấp là do giá dầu thô thế giới giảm mạnh, chạm đáy trong 11 năm qua đã tác động trực tiếp và gián tiếp khiến nhiều nhóm hàng trong rổ hàng hóa tính CPI giảm mạnh.
Theo tính toán của một chuyên gia từ Tổng cục Thống kê, tổng tác động từ sự giảm giá của dầu thô khiến lạm phát giảm 1,2% so với tính toán từ đầu năm 2015. Đặc biệt, năm 2015, lạm phát kiểm soát ở mức tăng thấp được nhận định rằng, kiểm soát việc tăng giá hàng hóa do chi phí đẩy không xảy ra. Những năm trước đây, cứ mỗi lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu, giá điện thì các mặt hàng hóa khác lại “té nước theo mưa” tăng theo, nhưng năm vừa qua, đã không xảy ra hiện tượng này.
Kiểm soát lạm phát tốt trong năm 2015 và gần cả nhiệm kỳ vừa qua, có thể nói vai trò đóng góp của điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) là rất lớn. Lý giải nhận định này, TS. Trương Văn Phước – Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, từ năm 2011 đến nay, điều hành tỷ giá hối đoái bao nhiêu, lạm phát bao nhiêu nay đã truyền hết vào nền kinh tế, nếu không thì lạm phát cũng khó thấp như vậy. “Lạm phát thấp là thành công nhất trong điều hành CSTT 5 năm qua.” – ông Phước nhấn mạnh.
Chính vì lạm phát năm 2015 quá thấp nên tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ 2016, các thành viên Chính phủ đã phải nhắc nhau là không được chủ quan với lạm phát. Trong kết luận của Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trước hết phải kiểm soát tốt lạm phát, không chủ quan với lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tính ổn định của nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, nếu chủ quan với lạm phát, sẽ khó khăn cho điều hành CSTT, bởi vai trò cung ứng tiền cho nền kinh tế của hệ thống NH hiện nay rất quan trọng. NHNN cũng đã tính toán mức tăng trưởng tín dụng năm 2016 khoảng 18-20% để đáp ứng được với mức tăng trưởng kinh tế 6,7%. Tuy nhiên, nếu lơ là với kiểm soát giá cả, trong đó có cả việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý, nếu không phù hợp, xem xét, phân tích trên nhiều yếu tố, sẽ khó khăn cho CSTT.
Đó có thể là lý do, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm tới vấn đề lạm phát trong năm 2016. Bởi theo Thống đốc, mặc dù lạm phát năm 2015 rất thấp, chưa đến 1%, nhưng phân tích lại thì thấy rằng lạm phát thấp chủ yếu do yếu tố bên ngoài tác động vào, đặc biệt là giá dầu và các mặt hàng thiết yếu trên thị trường quốc tế.
Nếu loại bỏ các yếu tố bất thường đó, thì năm 2015 lạm phát của Việt Nam cũng quanh mức 3%. Do đó, sẽ không loại trừ lạm phát năm 2016 rất khó kiểm soát ở mức dưới 5%, vì đã hết dư địa giảm giá các mặt hàng thiết yếu, trong khi dầu thô thậm chí có chiều hướng tăng trở lại. Ngoài ra, một số mặt hàng có thể được Nhà nước điều chỉnh trong năm tới. Chưa kể, để đạt mức tăng GDP 6,7% thì áp lực lạm phát là rất lớn.