Năm 2017, phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách trên GDP khoảng 20 - 21%
Ảnh minh họa |
Thông tư nêu rõ, năm 2017 là năm thứ hai của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, là năm đầu triển khai Luật NSNN năm 2015 và cũng là năm đầu của thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020, nên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2016-2020 và các mục tiêu chiến lược tài chính đến năm 2020.
Vì vậy dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2017 phải được xây dựng theo đúng quy định của Luật NSNN năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 đã được quốc hội thông qua và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Cụ thể, dự toán thu NSNN năm 2017 được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành; tổng hợp đầy đủ các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào NSNN theo quy định của Luật NSNN năm 2015; trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu NSNN năm 2016, dự báo tình hình đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khấu năm 2017 có tính đến các yếu tố tác động trong và ngoài nước; tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm thu do thực hiện các văn bản pháp luật về thuế mới sửa đổi, bổ sung và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết quốc tế; yếu tố tăng thu từ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân, các khoản thu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và tăng thu từ chỉ đạo quyết liệt chống thất thu, thu số thuế nợ đọng từ các năm trước, các khoản thu từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi.
Trên cơ sở đó phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách trên GDP năm 2017 khoảng 20 - 21%.
Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) tăng bình quân tối thiểu 13 - 15% so với đánh giá ước thực hiện năm 2016 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).
Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2016.
Mức tăng cụ thể của từng địa phương tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.