M&A bất động sản hồi sinh dự án
Sức hút thị trường bất động sản nghỉ dưỡng | |
M&A bất động sản thu hút nhà đầu tư ngoại | |
M&A bất động sản tăng tốc |
Tháng 9/2017, thị trường bất động sản (BĐS) chứng kiến VinaLand Limited, (một trong những quỹ đầu tư BĐS của Vina Capital), đã bán toàn bộ cổ phần tại Dự án Vina Square tại quận 5 cho Công ty Địa ốc Trí Đức với số thu tiền mặt ròng khoảng 41,2 triệu USD. Theo Công ty Nghiên cứu BĐS JLL, trong quý III/2017, thị trường BĐS Việt Nam tiếp tục diễn ra các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) mạnh mẽ với phần lớn các thương vụ thuộc phân khúc nhà ở và thương mại.
Trước đó, thị trường cũng ghi nhận khá nhiều giao dịch đáng chú ý khác của các nhà đầu tư nước ngoài như Keppel Land (Singapore) đã đầu tư vào dự án Saigon Center thông qua Công ty thành viên Krystal Investment Pte. Hay như dự án Sunny Island Investment của Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng sẽ được phát triển bởi một đối tác ngoại trong thời gian tới... Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL dự đoán, thời gian tới, nhu cầu tìm kiếm cơ hội của các nhà đầu tư ở thị trường BĐS Việt Nam sẽ ngày càng tăng. Trong số đó, những nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong và Trung Quốc... là những nhà đối tác gia tăng sự hiện diện nhiều nhất tại thị trường BĐS Việt.
Sự tham gia của những DN BĐS lớn mạnh, uy tín thông qua các thương vụ M&A để tái khởi động lại dự án là động thái tích cực |
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (Horea), các nhà đầu tư ngoại tích cực tìm kiếm cơ hội M&A để nhanh chóng thâm nhập và tìm kiếm cơ hội đầu tư sinh lời tại thị trường BĐS Việt Nam. Tuy nhiên, chính những nhà đầu tư nội mới góp phần mạnh mẽ làm thay đổi diện mạo thị trường BĐS trong nước với các thương vụ M&A đình đám. Nhắc đến những thương vụ mua bán dự án BĐS trong nước để “thay áo mới” và hồi sinh trên thị trường, không thể không kể đến những tên tuổi như Novaland, Hưng Thịnh Corp, An Gia Investment, CTCP Đầu tư Căn nhà Mơ ước (DRH)... với thâm niên chinh chiến qua hàng chục thương vụ M&A có trị giá lên đến hàng chục triệu USD/thương vụ.
“Hiện, trên thị trường BĐS còn khoảng 500 dự án vẫn đang trong tình trạng “đắp chiếu”, ngưng triển khai. Để hồi sinh những dự án này, giải tỏa bớt lượng hàng tồn trên thị trường cần có sự tham gia của các DN BĐS có kinh nghiệm, với nguồn tài chính mạnh để tái khởi động lại”, ông Châu cho biết thêm.
Quan sát thực tế trên thị trường, không phải nhiều người biết dự án Lakeview City tại quận 2 của Công ty Novaland hiện đang rất “hot” hàng đã được chủ đầu tư này, thông qua thương vụ M&A với một công ty khác là CTCP Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (C21) để làm hồi sinh. Cũng chính nhờ con đường M&A cùng với nguồn lực tài chính mạnh, đến nay Novaland là một trong những DN có tốc độ phát triển nhanh chóng và dự án của họ hiện diện ở khắp các quận, huyện TP. Hồ Chí Minh.
Tương tự, một DN BĐS khác cũng không kém cạnh trong sân chơi này chính là Hưng Thịnh Corp, với các thương vụ M&A, chủ đầu tư này đã phát triển lên hàng loạt các dự án quy mô lớn và được thị trường đón nhận tốt. Đến nay, qua chủ đầu tư mới, hàng chục dự án BĐS từng có thời gian “trùm mền” đã được hồi sinh và tung ra thị trường. Đơn cử như dự án Moolight Boulevard (Q. Bình Tân), trước đó vốn là dự án Western Plaza do CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh triển khai từ năm 2012 nhưng do không đủ năng lực nên đã “án binh bất động” trong khoảng thời gian dài và đã được Hưng Thịnh Corp mua lại và hồi sinh đưa ra thị trường...
Tổng giám đốc một DN BĐS chuyên phát triển dự án thông qua các thương vụ M&A “bật mí”, hiện nay trên thị trường các DN trong nước rất tích cực tìm kiếm những dự án đã từng triển khai nhưng còn dang dở, hoặc vì lý do nào đó phải ngưng lại để rót vốn, thúc đẩy dự án tiếp tục phát triển. Lý do khiến nhiều chủ đầu tư tìm kiếm, “săn lùng” nguồn hàng này là bởi quỹ đất sạch ngày càng khan hiếm, trong khi phần lớn các dự án triển khai một phần hoặc đã gần hoàn thiện song phải ngưng lại là do chủ đầu tư trước có thể yếu về năng lực quản trị, thiếu hụt về nguồn tài chính nên không thể tiếp tục.
Vì vậy, nếu biết thương thảo, đây quả thực sẽ là nguồn hàng hấp dẫn cho những chủ đầu tư nhiều kinh nghiệm mua lại để làm mới. Còn xét dưới góc độ thị trường, theo nhận định của những chuyên gia kinh tế, những dự án “đắp chiếu”, ngưng triển khai thời gian qua đã ảnh hưởng không tốt đến thị trường, nhất là làm tồn đọng một lượng lớn căn hộ dẫn đến chôn vốn của DN, nợ xấu ngân hàng, tác động tiêu cực đến nền kinh tế...
Vì vậy, sự tham gia của những DN BĐS lớn mạnh, uy tín thông qua các thương vụ M&A để tái khởi động lại dự án là động thái tích cực, giúp cho thị trường BĐS trở nên lành mạnh, tạo thêm nguồn cung mới, giúp người mua có thêm nhiều lựa chọn và nhất là giúp khơi thông nguồn vốn tồn đọng tại những dự án này.