Nhà đầu tư cân nhắc bài toán M&A
M&A bất động sản hồi sinh dự án | |
Sửa đổi Luật Cạnh tranh: Cứu DN Việt thoát “thế thua” trên sân nhà |
Đánh giá về thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư đều cho rằng rất tiềm năng, nhất là trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, năng lượng, dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và vật liệu xây dựng.
Thị trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội đầu tư thông qua hình thức M&A |
Ông Seck Yee Chung, Công ty Luật Baker&McKenzie, đánh giá, Việt Nam được coi là thị trường hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài với các yếu tố như chính trị ổn định, có tiềm năng lớn phát triển kinh tế, có vị trí địa lý tốt và đặc biệt có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhìn nhận, để xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại có nhiều kênh, tuy nhiên thông qua mua bán và sáp nhập (M&A), nhà đầu tư có thể rút ngắn quy trình thủ tục đầu tư.
Chính vì vậy thời gian qua, thị trường M&A Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ trong lĩnh vực công nghiệp có yếu tố nước ngoài như: Tập đoàn SCG và Công ty Vật liệu xây dựng Việt Nam, Tập đoàn CJ và Công ty Cầu Tre, Earth Chemical và Công ty Á Mỹ Gia, hay Công ty Daesang và Công ty Thực phẩm Đức Việt.
Theo ông Phú, “điều này thể hiện sự chủ động tìm kiếm cơ hội của các DN nước ngoài tại Việt Nam, cũng như thị trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội đầu tư thông qua hình thức M&A”.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn rót vốn vào những DN đã niêm yết và có tầm nhìn tốt nhằm hiện thực hoá mục tiêu đầu tư dài hạn vào Việt Nam. Trong đó, các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan hiện đang đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất…
Đặc biệt, sau thương vụ thoái vốn Sabeco thành công, tổng giá trị các thương vụ M&A hứa hẹn đạt con số kỷ lục khoảng trên 8 tỷ USD. Hoạt động M&A hiện nay được ví như là cuộc đua.
Tuy nhiên, bên cạnh những những yếu tố thuận lợi trên, ông Seck Yee Chung cũng cho rằng ở Việt Nam hệ thống quản lý kiểm soát khá chặt chẽ, đôi khi làm nhà đầu tư thấy phiền phức.
“Việt Nam có khuôn khổ pháp lý rất đầy đủ nhưng nó cũng tạo ra môi trường khiến nhà đầu tư phải cân nhắc”, ông Seck Yee Chung cho biết.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội chia sẻ, thường thấy các khoản đầu tư không thực hiện được do những thách thức trong việc đối phó với tham nhũng cũng như các điều kiện cấp phép và môi trường pháp lý quá phức tạp, nhiều hạn chế và không rõ ràng.
“Các bạn cần những nỗ lực cải cách để tạo ra một môi trường minh bạch và cạnh tranh hơn, nơi các quyết định được đưa ra nhanh, thủ tục ít phức tạp hơn, các quy tắc được thực hiện một cách công bằng và các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau trên các giá trị của họ - bao gồm cả việc tiếp cận đất đai và các cơ hội”, ông Adam Sitkoff nói.
Trong đó, kiến nghị cụ thể việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt, ông đánh giá đây là một thực tế không thông dụng và không được khuyến khích.
Hiện chỉ có bốn quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm khoảng hai phần trăm dân số trong khu vực, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt.
Cùng với đó, việc yêu cầu xác nhận việc công bố phù hợp các quy định an toàn thực phẩm trong Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của ngành thực phẩm và nước giải khát, dẫn đến việc tốn một khoản chi phí cao hơn, trong khi không đem lại bất kỳ giá trị nào cho việc quản lý an toàn thực phẩm.
Ông Herbert Cochran, Giám đốc Liên minh Thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam cho rằng, việc thường xuyên thay đổi chính sách pháp lý sẽ khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư rủi ro hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Các thay đổi về chính sách pháp lý, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến chính sách thuế như tăng thuế suất hoặc áp dụng các loại thuế mới sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đối với các dự án đầu tư. Một nhà đầu tư khi đưa ra quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư ở một quốc gia, sẽ xây dựng một kế hoạch kinh doanh dài hạn từ năm đến mười năm để ước tính lợi nhuận đầu tư thu được.
“Những thay đổi về thuế sẽ làm thay đổi toàn bộ kế hoạch kinh doanh ban đầu, do chi phí tăng cao, giảm doanh thu và do đó, giảm tỷ suất lợi nhuận hoặc kéo dài thời gian thu hồi vốn đầu tư. Nhà đầu tư có thể do dự trước những quyết định mở rộng đầu tư vào Việt Nam khi phải đối mặt với những thay đổi thường xuyên về chính sách hay về thuế suất”, ông Herbert Cochran chia sẻ.