Nâng cao năng lực ngành logistics
Nhà đầu tư ngoại nhắm đến logistics | |
Quy mô nhỏ cản lợi thế logistics |
Ông Julien Brun, Tổng giám đốc Công ty CEL Consulting, nhận xét các DN hoạt động trong lĩnh vực cung ứng và vận chuyển (logistics) Việt Nam còn yếu do thiếu ứng dụng công nghệ, chưa xây dựng và chuẩn hóa quy trình vận hành; không đầu tư vào chiến lược kinh doanh, tầm nhìn dài hạn và khả năng nhìn bao quát bức tranh tổng thể trên toàn chuỗi giá trị, cũng như xây dựng phát triển năng lực của đội ngũ còn yếu.
Đa phần DN logistics tại Việt Nam vừa vận hành vừa loay hoay xây dựng chiến lược kinh doanh, thậm chí là không hoạch định được chiếc lược nên thường có xu hướng sao chép cách thức phát triển của các DN khác, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhất là về giá.
Hiện nay chỉ rất ít DN logistics tại Việt Nam có lợi nhuận thực sự. Vì vậy, để phát triển bền vững, cần phải thay đổi và khắc phục những khuyết điểm trước khi bước vào chặng đường đón đầu xu thế và cơ hội từ sự phát triển của nền kinh tế.
Theo nhận định của các chuyên gia, lĩnh vực logistics cũng không ngoại lệ trong việc chịu tác động và chuyển biến theo xu hướng đổi mới công nghệ, cũng như được thúc đẩy và hỗ trợ bởi cuộc CMCN 4.0 đang làm thay đổi về hình thái trong ngành sản xuất. Từ đó, đòi hỏi các ngành trong chuỗi cung ứng phải thích ứng để hoà cùng nhịp chảy, phải đột phá tạo nên những giá trị cao hơn, nhưng chi phí thấp hơn.
Hiện nay trên thế giới, nhiều công nghệ, giải pháp sáng tạo được nghiên cứu và ứng dụng thử nghiệm trong nhiều công đoạn của chuỗi cung ứng, như đưa công nghệ vào vận hành cửa hàng tự phục vụ AmazonGo; kỹ thuật quản trị vận tải giảm khí thải, quản trị container hàng hóa bằng trí tuệ nhân tạo, giải pháp nâng hạ hàng hóa giảm tổn thương cho người vận hành của Alibaba.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ phát triển bình quân hàng năm của logistics Việt Nam khoảng 14-16%. Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam tương đương với 20,9% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%, cao gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển như Trung Quốc (19%), Thái Lan (khoảng 18%), Nhật Bản (khoảng 11%).
Chi phí logistics cao đã làm giảm sự cạnh tranh của hàng hoá, kìm hãm sự phát triển. Để giải quyết thực trạng này, hiện, logistics là một trong 12 nhóm ngành được Chính phủ Việt Nam và các nước ASEAN ưu tiên hỗ trợ, phát triển, và cũng là lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, hiện nay khái niệm quản lý chuỗi cung ứng-vận chuyển đang dần được các DN quan tâm, bởi 2 khâu này có ảnh hưởng lâu dài tới việc thực hiện, hoàn thành chiến lược kinh doanh.
Tính đến nay, Việt Nam có hơn vài ngàn DN đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics hoặc liên quan. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, thì đa phần các DN này có bản chất là đại lý, công ty vận tải với quy mô rất nhỏ từ 1-5 chiếc xe tải, hay đại lý môi giới, công ty cho thuê kho bãi (2PL). Ở lĩnh vực 2PL, các công ty có dịch vụ cho thuê kho bãi ở Việt Nam thường chỉ đơn thuần hoạt động như “chủ nhà, chủ đất cho thuê”.
Mới chỉ có một số ít DN logistics ở Việt Nam có thực lực và làm đúng chức năng của đơn vị ở cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng (3PL) đúng nghĩa. Còn số lượng DN có khả năng làm ở cung cấp dịch vụ logistics thứ 4, logistics chuỗi phân phối, hay nhà cung cấp logistics chủ đạo - LPL (4PL) ở Việt Nam có thể nói là đếm trên đầu ngón tay.
Đáng nói là ở Việt Nam, hoàn toàn chưa có DN logistics nào đạt đến cấp độ chuẩn cung cấp dịch vụ bên thứ 5 (5PL), kể cả khối DN nước ngoài. Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các DN trong ngành cần đầu tư không chỉ về nguồn lực, công nghệ mà quan trọng hơn là cần nâng cao khả năng quản trị chuỗi cung ứng.