Quy mô nhỏ cản lợi thế logistics
Chi phí logistics: Một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn | |
Logistics với thương mại điện tử | |
Nhu cầu thuê nhà kho tăng cao |
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 3/2018, cả nước có gần 300.000 DN đăng ký kinh doanh trong các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực logistics, tập trung chủ yếu ở khu vực có hệ thống cảng, đường bộ thuận lợi. Dù số lượng đông đảo, song quy mô vốn đăng ký của các DN trong ngành còn rất hạn chế, tới 90% số DN khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, cho thấy hầu hết các DN trong ngành này là ở quy mô nhỏ.
Đến năm 2025 phải nâng tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics lên 50-60% |
Quy mô nhỏ trong khi tính liên kết lại yếu chính là điều khiến các DN logistics của Việt Nam kém cạnh tranh. Báo cáo của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, tính đến ngày 20/3/2018, VLA mới có 369 hội viên. Điều này cho thấy chỉ có số ít DN hoạt động trong ngành này tham gia vào hiệp hội nhằm tăng cường tính liên kết, còn lại chủ yếu hoạt động đơn lẻ, chỉ tham gia vào một khâu trong toàn bộ chuỗi giá trị dịch vụ logistics.
Cũng theo VLA, hiện có khoảng 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. So với các DN trong nước, các DN đa quốc gia có thế mạnh về hợp đồng chuyên chở với các hãng tàu lớn do công ty mẹ ký với các chủ hàng lớn có mạng lưới toàn cầu, mức độ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics cao, trình độ quản lý tiên tiến và đặc biệt có quan hệ tốt với các chủ hàng toàn cầu. Trong khi đó, thế mạnh của các DN logistics Việt Nam là đảm nhiệm hầu như toàn bộ hoạt động vận tải nội địa, từ khai thác cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, đến khai thác kho bãi, dịch vụ kho. Thực trạng này cho thấy các DN logistics Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh để vươn ra thị trường quốc tế, mà mới chỉ tham gia vào các công đoạn ở nội địa trong cả chuỗi logistics, đóng vai trò như những nhà cung cấp vệ tinh cho các công ty nước ngoài. Cũng chính vì sự nhỏ bé và thiếu liên kết của khối DN logistics trong nước, nên mức nhập siêu dịch vụ vận tải của Việt Nam đang liên tục gia tăng trong các năm qua, làm trầm trọng thêm tình trạng nhập siêu dịch vụ nói chung.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết, do quy mô nhỏ bé và manh mún, nên hiện nay tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics tại Việt Nam mới đạt khoảng 35-40%. Con số này cho thấy hầu hết các DN sản xuất đang thực hiện kiêm nhiệm luôn cả khâu logistics trong hoạt động của mình, thay vì thuê các DN logistics đảm nhiệm riêng. Trong khi đó, thực tế cho thấy quy mô hoạt động của DN logistics càng lớn thì chi phí dịch vụ càng thấp, qua đó càng làm giảm chi phí cho chính DN sản xuất hàng hoá. Vì vậy, VLA khuyến nghị mục tiêu phát triển mà ngành này cần đạt được là đến năm 2025 phải nâng tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics lên 50-60%.
Ông Hiệp khuyến nghị, để tăng tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics, cần sự phối hợp giữa VLA với VCCI và các hiệp hội ngành nghề khác. Theo đó, khuyến khích các chủ hàng thay đổi nhập khẩu CIF (bao gồm cả tiền hàng, bảo hiểm, cước phí) sang nhập khẩu FOB (chỉ bao gồm tiền hàng) tại cảng bốc hàng. Để thực hiện được, rất cần Cục xuất nhập khẩu phối hợp với truyền thông phát động chương trình dài hạn DN Việt Nam ủng hộ dịch vụ của các DN logistics kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo ông Hiệp, cần kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với nhau thông qua các hình thức hợp tác qua mua bán và sát nhập để trở thành các nhà cung cấp dịch vụ logistics theo hợp đồng; hoặc hợp tác qua các sàn giao dịch vận tải, sàn giao dịch dịch vụ.
Đối với giải pháp hạ tầng, VLA khuyến nghị cần phát triển logistics khu vực Tây Nam Bộ gắn chặt với vận tải thuỷ nội địa, kết nối Cần Thơ và Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải. Đối với hàng không, tổ chức kết nối hàng hoá thuỷ sản đông lạnh qua vận tải bằng xe tải ngoại quan giữa Cần Thơ và sân bay Tân Sơn Nhất; phát triển Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển của Việt Nam và khu vực.
Ngoài ra, kiến nghị bổ sung chức năng quản lý logistics vào Uỷ ban quốc gia về 1 cửa ASEAN, 1 cửa quốc gia, tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới, trở thành Uỷ ban quốc gia về logistics và tạo thuận lợi thương mại hàng hoá. Cùng với đó, có giải pháp đột phá áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý dịch vụ.