Nhà đầu tư ngoại nhắm đến logistics
Quy mô nhỏ cản lợi thế logistics | |
Chi phí logistics: Một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn |
Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex ID cho biết, trong những năm tới, Becamex sẽ đẩy mạnh đầu tư logistics, tạo chuỗi cung ứng mới, phát triển vận chuyển hàng hóa thông minh. Chiến lược này nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh trước sự tham gia ngày càng nhiều của các tập đoàn, công ty nước ngoài có kinh nghiệm và nguồn lực lớn vào sân chơi logistics.
Việt Nam là thị trường logistics hấp dẫn với NĐT nước ngoài |
Theo nhận định của các chuyên gia, logistics đang là một trong những lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến khi nói đến cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Với sự phát triển của nền kinh tế và tăng trưởng xuất khẩu, logistics càng trở nên hấp dẫn bởi lĩnh vực này tại Việt Nam hiện vẫn còn manh mún, chưa đủ năng lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Điều kiện thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào ngành vận tải là tiền đề cho ngành logistics tại Việt Nam cải thiện hơn trong thời gian tới. Nghị định 163/2017/ND-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics, được đánh giá là đã nêu rõ các điều kiện kinh doanh dịch vụ và giới hạn trách nhiệm kinh doanh dịch vụ logistics. Nghị định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được lập DN kinh doanh các dịch vụ logistics vận tải hàng hóa tại Việt Nam.
Sức hút của thị trường logistics Việt Nam được thể hiện qua những thương vụ đầu tư của DN các nước. Cụ thể cuối năm 2017, DHL đã rót thêm vốn để đầu tư thêm dịch vụ vận chuyển để đáp ứng nhu cầu của lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng tăng trưởng.
Một nhà đầu tư khác có thể kể đến là Warburg Pincus, sau khi đầu tư vào Việt Nam từ 2013, đã không ngừng tham gia vào các đơn vị logistics tại Việt Nam. Với tổng giá trị đầu tư cam kết hơn 1 tỷ USD đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là thị trường trọng tâm của chiến lược kinh doanh, Warburg Pincus đã tham gia đầu tư vào nhiều DN trong nước như Vincom Retail. Mới đây, tập đoàn này đã hợp tác với Becamex để thành lập công ty liên doanh BW Industrial để phát triển các BĐS công nghiệp và hậu cần chất lượng cao.
Ông Charles R. Kaye, Giám đốc điều hành toàn cầu Warburg Pincus cho rằng, thị trường BĐS công nghiệp và dịch vụ hậu cần ở Việt Nam phát triển sẽ có tác động rất lớn đến sự tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế. Cơ hội là rất tốt khi đang có sự dịch chuyển địa điểm sản xuất từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sang Việt Nam. Sự hấp dẫn còn đến từ tăng trưởng của thị trường tiêu thụ nội địa, đặc biệt là sự phát triển của ngành bán lẻ hiện đại. BW Industrial đã mua đất để triển khai 8 dự án, tập trung trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam.
Tại các nơi này, DN này sẽ triển khai đầu tư vào hàng loạt dịch vụ nhà kho hiện đại, nhà xưởng xây sẵn cho thuê, nhà xưởng xây theo yêu cầu của khách hàng. Theo kế hoạch, BW Industrial sẽ xây dựng nền tảng BĐS công nghiệp và dịch vụ hậu cần có thể đáp ứng được cho các tập đoàn đa quốc gia và các công ty thương mại điện tử.
Lĩnh vực logistics ngày nay đang gắn liền với tốc độ phát triển của dòng hàng hóa tiêu dùng luân chuyển nhanh, với thương mại điện tử toàn cầu. Do vậy, Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn với DN nước ngoài khi lực lượng DN trong ngành ở nội địa vẫn còn nhỏ lẻ.
Theo dữ liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lĩnh vực logistics đang đứng vị trí thứ 8 trong danh mục ngành nghề thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Trong 4 tháng đầu năm 2018 vừa qua, có 27 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực này với tổng vốn đăng ký là 101 triệu USD. Nếu tính chung đến thời điểm cuối tháng 4 thì đã có hơn 4,7 tỷ USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào ngành, với 692 dự án còn hiệu lực.
Đồng thời, theo báo cáo của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Việt Nam đang có khoảng 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Các DN logistics Việt Nam mới chủ yếu đảm nhiệm toàn bộ vận tải nội địa, từ khai thác cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, đến khai thác kho bãi, dịch vụ kho.
Có thể thấy, DN logistics trong nước chưa đủ sức cạnh tranh để vươn ra thị trường quốc tế, mới chỉ tham gia vào các công đoạn ở nội địa trong cả chuỗi logistics, đóng vai trò như những nhà cung cấp vệ tinh cho các DN nước ngoài. Vì vậy, sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực này phần nào tạo cơ hội cho sự cọ xát để các DN Việt nỗ lực hơn trong việc nâng cao sức cạnh tranh giữ thị phần nội địa.