Nâng cao năng lực xuất khẩu
10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất tính đến 31/8 | |
Tháng 8 xuất siêu mạnh, kéo giảm nhập siêu 8 tháng xuống 0,84 tỷ USD |
Những con số ấn tượng
Theo số liệu ước của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 133,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khối DN trong nước xuất khẩu 37,8 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 95,7 tỷ USD (tính cả dầu thô xuất khẩu) tăng 18,9%.
Xuất khẩu của DN trong nước ước đạt 37,8 tỷ USD |
Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, xuất khẩu 8 tháng đầu năm duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu 8 tháng đầu năm ở mức 17,9% là mức tăng cao so với mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý, Cục Xuất nhập khẩu nhận định, xuất khẩu của các DN trong nước tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá và đây cũng là điểm tích cực trong hoạt động xuất khẩu.
Xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 37,8 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng trưởng tích cực so sánh với mức tăng khoảng 4,3% trong 8 tháng đầu năm 2016.
Yếu tố đóng góp vào sự phục hồi của xuất khẩu khối này là tăng trưởng của nhóm hàng nông sản, thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu nhóm này ước đạt 16,9 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ (8 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 5,9%).
Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng cao nhưng tập trung vào các mặt hàng cần nhập khẩu, là đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 135,6 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, nhập khẩu tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng cần nhập khẩu như máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và giải ngân các dự án đầu tư. Nhập khẩu phục vụ các dự án đầu tư tăng.
Như vậy, bức tranh xuất khẩu của khối nội rõ ràng đã sáng sủa hơn, tuy nhiên, để nâng cao giá trị gia tăng, Việt Nam phải tiếp tục đa dạng hoá và chuyển sang các sản phẩm tinh xảo hơn.
Báo cáo "Việt Nam đang trước ngã rẽ tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới" của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, giỏ hàng hóa xuất khẩu của quốc gia hiện đã và đa dạng hơn so với cách đây một thập kỷ, nhờ sự chuyển dịch từ xuất khẩu các mặt hàng thô sang xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, chế biến có hàm lượng công nghệ thấp và trung bình (may mặc, đồ gỗ, da giày) và sau đó là các mặt hàng tinh xảo hơn (máy móc và điện tử).
Ở cấp độ ngành, giá trị gia tăng trong nước của Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ hai con số ở hầu hết các ngành, như vậy là cao nhất trong số các quốc gia tương đương như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... Tuy nhiên, giỏ sản phẩm - thể hiện tính chuyên môn hóa trong sản xuất lại cho thấy hiệu ứng đáng thất vọng, làm mất đi 1,4% thị phần trên thế giới.
Phải thay đổi giỏ hàng hóa xuất khẩu
Vì vậy, WB cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với những giới hạn theo chiều ngang và chiều dọc (theo ngành) khi muốn đổi mới giỏ hàng hoá xuất khẩu để nâng cao giá trị gia tăng và vươn lên trong chuỗi giá trị để tham gia vào các chức năng đem lại giá trị gia tăng cao hơn.
Hầu hết việc làm trong các ngành xuất khẩu vẫn là việc làm của lao động không có kỹ năng, trong đó hàm lượng lao động không có kỹ năng trong giá trị gia tăng của lao động ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế châu Á khác. Xu hướng này diễn ra ở hầu hết các ngành, bao gồm chế biến thực phẩm, máy móc, thiết bị và dệt may.
Trong khi đó, kết nối ngược với nền kinh tế trong nước còn yếu. Hầu hết tăng trưởng về giá trị gia tăng trong nước trong các mặt hàng xuất khẩu nhờ vào đóng góp của các hoạt động xuất khẩu trực tiếp chứ không phải gián tiếp qua các đầu vào trong nước. Trong năm 2011, giá trị gia tăng trực tiếp đóng góp cho xuất khẩu chiếm 62%, còn giá trị gia tăng do đóng góp của đầu vào trong nước cho xuất khẩu chiếm 37%.
Đồng thời, kết nối ngược còn yếu chủ yếu do kết nối với các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là đầu tàu trong xuất khẩu với các DN khu vực tư nhân trong nước. Mặc dù thể chế thường đóng vai trò tích cực trong việc kết nối FDI với nền kinh tế trong nước, nhưng ở Việt Nam không có biến thể chế nào đem lại tác dụng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, khu vực DN FDI xuất khẩu có mức giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với khu vực DN trong nước là bằng chứng cho thấy đa số sản phẩm xuất khẩu của DN trong nước là hàng gia công và nguyên liệu thô và rất ít có được sản phẩm công nghệ chế biến, chế tạo.
Theo đó, bà Lan cho rằng cần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay. Nếu khai thác tốt, FDI sẽ trở thành một trong những trụ cột, nền tảng để Việt Nam nương theo, bám vào, phát triển tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; cũng như đây sẽ là giải pháp có thể giúp khối DN nội chiếm lại thế "thượng phong" trong tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cả nước.