Phải tìm ra động lực phát triển
Tạo động lực mạnh để thu hút đầu tư | |
Động lực của tăng trưởng | |
Động lực mới của nền kinh tế |
“Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng. Tôi hy vọng chúng ta, những người ở đây hôm nay có quyền tự hào là chúng ta đã chứng kiến sự trỗi dậy của Việt Nam”, PGS. Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Singapore) phát biểu tại Diễn đàn Phát triển bền vững ngày 18/1/2017.
Với chủ đề “Nhìn lại mô hình tăng trưởng thịnh vượng, bền vững môi trường và hòa nhập xã hội”, đây là một diễn đàn đặc biệt quy tụ các nhà khoa học trên thế giới, đặc biệt là các giáo sư, học giả người Việt Nam đang ở nước ngoài, tham gia ý kiến với mong muốn Việt Nam sẽ sớm trở thành một quốc gia thịnh vượng và vững mạnh. Trong số này, có những vị đang là thành viên tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng.
Kết hợp hợp lý giữa 2 nhân tố năng suất vốn và năng suất lao động là lời giải cho tăng trưởng kinh tế |
Huyệt đạo ở đâu?
Diễn đàn khẳng định: “Tăng trưởng thịnh vượng đi đôi với bền vững về môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội là những trụ cột chính của tất cả các quốc gia, cả quốc gia phát triển và đang phát triển, trong đó có Việt Nam”. Nhưng “huyệt đạo để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững ở đâu? Và có công thức nào để khai mở?”, PGS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân) nêu vấn đề.
Thực tế cho thấy, kết quả của 30 năm “Đổi mới” đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong quá trình theo đuổi mục tiêu này. Diện mạo kinh tế đã thay đổi hẳn, đời sống người dân được cải thiện, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức: GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao, bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng; các vấn đề môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh.
“Nếu không tìm ra động lực phát triển mới, Việt Nam khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và có nguy cơ tụt hậu về kinh tế”, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu. Để đưa nền kinh tế phát triển thịnh vượng đi đôi với bền vững môi trường và hòa nhập xã hội trong thời gian tới, Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng cơ hội của cuộc CMCN 4.0, sớm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và tập trung.
Để thực hiện các mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có 6 giải pháp quan trọng: Thứ nhất, tiếp tục tập trung cải cách thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả; Thứ hai, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thu hút chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Thứ ba, phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo; Thứ tư, phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị, phát triển các cực tăng trưởng mới với việc xây dựng 3 đặc khu hành chính - kinh tế với thể chế vượt trội, có khả năng cạnh tranh quốc tế, phát huy các cơ chế đặc thù ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, làm đầu tàu và tạo sự lan tỏa cho cải cách và phát triển; Thứ năm, bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội; Thứ sáu, phát triển bền vững về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Kinh nghiệm cho thấy, Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới. Phải dựa vào năng suất, Việt Nam mới phát triển được”, bà Caitlin Wiesen – Giám đốc UNDP Việt Nam lưu ý.
Năng suất là then chốt
Bà Caitlin Wiesen cũng nêu lên những vấn đề cần suy nghĩ. Đó là tạo việc làm năng suất cao – hiện 40% dân số Việt Nam đang làm việc trong khu vực năng suất thấp như nông nghiệp; và DN Việt Nam cần liên kết được với DN FDI để tăng năng suất, tạo ra nhiều việc làm hơn. Thêm nữa, là phải mở rộng quy mô DN vì 90% DN Việt Nam hiện nay là DNNVV, và phải tăng quy mô cho lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó là phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang ập đến.
Ông Andreas Schleicher – Giám đốc Ủy ban Giáo dục và Kỹ năng OECD lưu ý rằng, thế giới đang đối diện với cuộc CMCN 4.0 và xu hướng tự động hóa sẽ thay thế hàng trăm triệu việc làm. Như vậy, Việt Nam sẽ phải làm thế nào chuẩn bị cho thế hệ trẻ tương lai, trong khi hệ thống giáo dục hiện không thỏa mãn giấc mơ và tham vọng của người trẻ?
Nhấn mạnh vấn đề năng suất, GS. Lê Văn Cường (Đại học Kinh tế Paris) lưu ý, trong năng suất có lao động, năng suất vốn, năng suất tổng hợp. Theo ông, muốn tăng năng suất tổng hợp thì thể chế phải thay đổi; việc tăng năng suất lao động phụ thuộc vào đào tạo; muốn tăng năng suất vốn, phải minh bạch, chống thất thoát, tham nhũng. Và theo ông, sự kết hợp hợp lý giữa 2 nhân tố năng suất vốn và năng suất lao động, giữa đầu tư cho máy móc công nghệ và đào tạo mới là mấu chốt quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Ở một góc độ khác, PGS. Vũ Minh Khương phát biểu: “Thể chế là bài toán trọng điểm mà Chính phủ phải giải quyết. Chúng ta đi sau và có lợi thế là học được cách làm, bước đi của các nước đi trước và phải học rất nhiều”.
Chúng ta luôn nhất trí về sự phát triển dựa trên 3 trụ cột: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Nhưng không ít quốc gia đã rơi vào tình cảnh kinh tế phát triển nhưng phải trả giá về môi trường. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan đang làm gia tăng gánh nặng và thiệt hại cho các quốc gia chưa phát triển.
Và đó luôn là vấn đề không bao giờ dễ giải quyết.