Nên áp sàn cho quy mô dự án PPP?
Phòng ngừa rủi ro, xử lý tranh chấp khi hợp tác công – tư | |
Dự án PPP phải có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng |
Ảnh minh họa |
Ngưỡng tối thiểu để chọn dự án xứng đáng
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định về tổng vốn đầu tư để đủ hạn mức được đầu tư theo PPP đã thay đổi qua các giai đoạn xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Từ Nghị định 108/2009/NĐ-CP không nêu hạn mức tối thiểu đến Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định hạn mức từ 20 tỷ đồng trở lên rồi sau đó đến Nghị định 63/2018/NĐ-CP đã bỏ quy định về hạn mức.
Trong khi đó các dự án PPP ở nước ta trong thời gian vừa qua được triển khai chủ yếu thuộc một số lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, năng lượng và các dự án này đều có tổng vốn đầu tư lớn, chủ yếu thuộc nhóm A theo phân loại của Luật Đầu tư công 2014; các dự án có quy mô nhóm B trở xuống hầu hết được áp dụng loại hợp đồng BT.
Vì vậy trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xin ý kiến rộng rãi về tính cần thiết của việc quy định hạn mức được đầu tư PPP và đã nhận được sự đồng thuận từ đa số ý kiến của các bộ, ban, ngành với kiến nghị áp dụng PPP đối với dự án nhóm B trở lên (dự án thuộc các lĩnh vực như giao thông, điện... có quy mô từ 240 tỷ đồng đến dưới 4.600 tỷ đồng).
Qua thống kê, đa số các dự án PPP đã thực hiện có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng (233/336 dự án, chiếm 69,34%; nếu không tính hợp đồng BT, số dự án trên 200 tỷ đồng là 113/148 dự án, chiếm 76,35%). Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất áp dụng hạn mức để đầu tư PPP là 200 tỷ đồng.
Không nên loại dự án nhỏ khỏi cuộc chơi
Đặt vấn đề, hạn mức 200 tỷ đồng đã được giải thích một cách hợp lý tại tờ trình, theo đó, các quy định của Luật này chỉ nên áp dụng cho các dự án PPP quy mô lớn. Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) này đặt ra câu hỏi về việc các dự án dưới 200 tỷ đồng nếu muốn thực hiện theo hình thức PPP thì làm thế nào?
Đặc biệt trong bối cảnh nhiều dự án quy mô nhỏ trong các lĩnh vực y tế, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, trụ sở cơ quan nhà nước, giáo dục… có mức đầu tư tương đối thấp. Đối với các dự án trong lĩnh vực này, tỷ lệ dự án dưới 200 tỷ đồng là tương đối lớn. Đây cũng là định hướng mà Đảng, Chính phủ hiện nay đang khuyến khích tư nhân tham gia
Lấy ví dụ từ ngành xử lý nước thải, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) lưu ý, mục tiêu mà Bộ Xây dựng đặt ra là thu hút khoảng 10 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực cung cấp nước và thoát nước vào năm 2020 là đầy thách thức. Các tổ chức viện trợ và các thể chế đa phương đã và đang sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật và phát triển năng lực. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ không kéo dài mãi, vì vậy Việt Nam cần có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực này.
“Với chính sách ưu đãi phù hợp và sự phối hợp thực hiện các quy định hợp lý, Việt Nam có thể phát triển bền vững ngành công nghiệp nước và công nghiệp quản lý chất thải”, đại diện Eurocham khẳng định.
Ông Lê Duy Hưng - Cố vấn cấp cao lĩnh vực hạ tầng của Ngân hàng Thế giới cho rằng, trong bất kỳ dự án PPP nào, điều nhà đầu tư quan tâm là phải thu hồi đủ chi phí. Họ thấy có lãi thì mới tham gia được. Tuy nhiên, chỉ tính riêng với ngành xử lý nước thải, một số vướng mắc về chính sách như giá nước sạch và xử lý chất thải còn quá thấp để các nhà đầu tư tư nhân có thể xây dựng nên DN có lợi nhuận tài chính. Bên cạnh đó, các quy định về việc có thu phí xử lý nước thải hoặc phí bảo vệ môi trường hay không còn chưa thống nhất. Chính vì vậy, chi phí cho lĩnh vực xử lý nước thải của Việt Nam rất đắt, nếu không thu hồi được vốn thì nhà đầu tư không dám đầu tư.
Thêm vào đó là sự thiếu hụt về pháp lý khiến nhà đầu tư và chính quyền địa phương lúng túng như chưa có hướng dẫn bù tài chính phần chênh lệch đối với mức giá xử lý rác thải, nước thải.
Một nhà đầu tư trong lĩnh vực này phân tích thêm, dự án PPP quy mô nhỏ thường hiệu quả không cao nếu thiếu cơ chế hỗ trợ, người sử dụng lại khó nhận biết được giá trị của dịch vụ nên có thể phản đối, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự. Trước nhiều vấn đề rủi ro như vậy, nhà đầu tư rất cần những quy định rõ ràng tại văn bản pháp luật. Vì vậy không nên gạt dự án quy mô nhỏ ra khỏi Luật PPP.
Để giải quyết vấn đề này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh theo hướng giao Chính phủ quy định về hoạt động đầu tư PPP đối với các dự án có tổng mức đầu tư dưới 200 tỷ đồng. Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định với các quy định tương tự như Luật này nhưng ở mức độ đơn giản hơn phù hợp với các dự án PPP quy mô nhỏ.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh rằng Luật PPP là vấn đề luật rất mới, khó và phức tạp, liên quan tới nhiều quy định khác. Vì vậy cần có những dự án có thực tiễn để chúng ta có kinh nghiệm và để chuyển hoá vào các quy định của luật, nhằm xây dựng luật mang tính khả thi cao.
Theo kinh nghiệm quốc tế, quy định quy mô tối thiểu của dự án để thực hiện theo hình thức PPP cũng rất khác biệt, tuỳ theo nhu cầu của mỗi quốc gia. Chẳng hạn Canada giới hạn ở mức 100 triệu USD; Úc, Singapore là 50 triệu USD; Anh 25 triệu USD. Một số nước áp dụng quy mô nhỏ hơn như Brazil 2,7 triệu USD, Colombia 1,4 triệu USD, Nam Phi 1 triệu USD. Bên cạnh đó, cũng có một số quốc gia không quy định hạn mức làm PPP như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines.