Nền kinh tế bắt đầu giảm tốc
Nên ưu tiên ổn định tài chính | |
Tồn tại, hạn chế ở “đầu tàu dẫn dắt” | |
Tiêu dùng tiếp tục khởi sắc hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế |
Các đầu tàu chậm lại
Sự giảm tốc của nền kinh tế thể hiện trước tiên ở chỉ số sản xuất công nghiệp, trong đó “hạt nhân” là ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng 11,8%, tuy vẫn ở mức cao nhưng có xu hướng tăng chậm dần (2 tháng đầu năm nay tăng 15,5%; 3 tháng tăng 14,1%; 4 tháng tăng 12,5%).
Phân tích rõ hơn về xu hướng này, báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, tính chung trong 5 tháng, ngành chủ lực của công nghiệp chế biến, chế tạo là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học vẫn tăng trưởng cao ở mức 18,7%, tuy nhiên đó là nhờ thành tích đạt được từ các tháng đầu năm.
Sản xuất công nghiệp là hạt nhân cho tăng trưởng đã bắt đầu chững lại |
Bởi chỉ số sản xuất của ngành này đã chững lại khá nhanh kể từ tháng 4 đạt mức tăng 5,4%, tới tháng 5 chỉ còn 2,2%; giảm mạnh so với tháng 1 là 35,8%; tháng 2 là 33,2%; tháng 3 là 24,6%. Nguyên nhân chủ yếu do năm nay Công ty TNHH Samsung Electronics tập trung sản xuất các dòng điện thoại cao cấp vào tháng 2 và tháng 3, trong khi năm 2017 sản xuất chủ yếu vào tháng 4 và tháng 5.
Cũng trong sản xuất công nghiệp, nếu như ngành khai khoáng là điểm sáng của quý I khi trở lại mức tăng trưởng dương 0,4% sau 2 năm liên tục giảm, thì tới tháng 5 đã trở lại trạng thái tăng trưởng âm tới 7,6%, khiến chỉ số ngành này sau 5 tháng giảm 2,2%, làm giảm 0,3 điểm % mức tăng chung.
Cùng với sản xuất công nghiệp chậm lại, thương mại hàng hoá cũng giảm tốc khá nhanh với diễn biến đáng chú ý là nhập siêu đã quay trở lại sau 4 tháng liên tục xuất siêu. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu chỉ tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong khi các tháng trước đó con số này luôn vượt mức 20%. Tháng 5, ước tính cả nước nhập siêu 500 triệu USD, chủ yếu do Samsung đã tập trung xuất khẩu các sản phẩm Galaxy S9, S9+ trong tháng 3 làm cho kim ngạch xuất khẩu điện thoại bắt đầu có xu hướng giảm từ tháng 4.
Cùng với sản xuất và xuất khẩu, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước vẫn tăng rất chậm, tính chung 5 tháng đầu năm mới đạt 28,4% kế hoạch năm và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê lưu ý các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, bảo đảm kế hoạch đề ra.
Áp lực nhiều hơn
Nhắc lại các nhận định về diễn biến của nền kinh tế trong các tháng tiếp theo của năm 2018, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, các quý còn lại của năm 2018 sẽ phải so sánh với một nền rất cao của năm 2017, nên kết quả sẽ chậm lại. Nếu muốn duy trì như mọi năm thì năm 2018 phải có yếu tố nổi trội. “Tuy nhiên tới nay vẫn chưa nhìn thấy yếu tố nổi trội nào cho tăng trưởng năm 2018”, ông Phương cho biết.
Theo đó, Samsung và Formosa là hai yếu tố đột biến làm nên tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2017. Bước sang năm 2018, dù Formosa đã công bố kế hoạch khởi động lò cao số 2 và Samsung có chia sẻ về tốc độ tăng trưởng của công ty nhưng so với mức độ đột biến như năm 2017 thì chưa chắc đã bằng. Đánh giá lại các động lực tăng trưởng hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định chưa thể có đột biến như năm 2017. Do vậy, tốc độ tăng trưởng những quý cuối năm sẽ chùng xuống.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành chia sẻ, dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế đã nằm trong dự báo vì vậy không có vấn đề bất thường. Tuy nhiên ông Thành tỏ ra lo ngại về các chỉ tiêu thu hút đầu tư và thành lập DN.
Ông phân tích, “tháng ăn chơi” đã qua từ lâu nhưng trong tháng 5, số DN thành lập mới và số vốn vẫn giảm lần lượt 24% và 21,5%. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, số DN và số vốn đăng ký tuy vẫn tăng nhưng ở mức rất thấp, lần lượt đạt 3,5% và 6,4% so với cùng kỳ năm 2017. So sánh với 5 tháng năm 2017, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 12,9%, số vốn đăng ký tăng 39%, rõ ràng mức tăng của năm nay là biểu hiện đáng ngại. Đó là chưa kể số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng tới 24%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Về phía đầu tư nước ngoài, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng đã giảm tới 30,8% so với cùng kỳ năm 2017.
“Biểu hiện này có vẻ ngược so với một số khảo sát dịp tháng 3-4, trong đó khẳng định các DN nhìn vào triển vọng kinh tế trong năm tốt lên và tỷ lệ cho biết sẽ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh là khá cao”, ông Thành lưu ý.
Trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc và cảm nhận của các DN có phần kém lạc quan hơn, thì áp lực lại dồn đến từ lạm phát, khiến công tác điều hành nền kinh tế chắc chắn sẽ khó khăn hơn trong các quý còn lại của năm. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2018 tăng 0,55% so với tháng trước, là tháng 5 có CPI tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Có tới 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng. Hiện còn hàng loạt yếu tố khác đe doạ tác động tới mặt bằng giá cả như giá dịch vụ y tế, giáo dục, tăng lương. Như vậy, chỉ tiêu kiểm soát CPI cả năm dưới 4% đang đối diện nhiều thách thức.
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhận định, vấn đề đáng quan ngại nhất đối với CPI là yếu tố tiền, với áp lực từ cung tiền do chính sách tăng lương từ giữa năm nay, do các tháng cuối năm chúng ta phải đẩy mạnh giải ngân và đầu tư nhiều cho sản xuất kinh doanh để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Lạm phát trở lại chắc chắn cũng sẽ tạo áp lực lên việc điều hành lãi suất, khiến khả năng giảm lãi suất trong năm nay khó khăn hơn, đồng thời dẫn đến vòng xoáy chi phí sản xuất tăng, giá thành sản phẩm cũng đội lên.
Trong bối cảnh đó, ông Thoả khuyến nghị cần giãn thời gian điều chỉnh giá một số giá hàng hoá, dịch vụ thiết yếu vào thời điểm thích hợp để tránh cộng hưởng tăng giá. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh vai trò hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho DN bằng việc tiếp tục cải cách hành chính, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, giảm các loại phí, các khoản thu...