Nếu không có sức ép thì không ai làm
Cơ hội cho DN tư nhân tham gia mua sắm công | |
Luật hỗ trợ DNNVV: Thừa còn hơn thiếu | |
Kỳ vọng về một mô hình |
“Tổ công tác có dân”
Luật DN là luật cải cách nhiều nhất và tốt nhất trong các luật. Thế nhưng “xem chừng rất tưng bừng rắc rối. Bất cập đang tới tấp nảy sinh. Mỗi nơi vẫn đang “chơi” một phách. Các ngành cứ đánh luật ầm ầm. Dân kinh doanh bị hành hơn trước. Phía chủ nhà như gà mắc tóc… Tổ “hành” luật phải vất vả ra tay (Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư - PV)…
Đây là những lời bình dí dỏm của LS. Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO về tình hình thực hiện Luật DN và Luật Đầu tư hiện nay.
“Rốt cuộc sau bao nhiêu tháng căng thẳng, DN bức xúc, cũng đến lúc tổ công tác nhập cuộc”, LS. Đức cũng phấn khởi “khoe” về cuộc họp tái khởi động Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư. Tổ công tác đã được thành lập theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Luật đã minh định, vấn đề chỉ còn là làm sao để các cơ quan hiểu rõ và tuân thủ theo đúng nguyên tắc tôn trọng quyền hiến định là tự do kinh doanh của DN |
LS. Đức cho biết, căn cứ theo quyết định này, và đề nghị của Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) và Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổ trưởng Tổ Công tác (là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh) đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ công tác với điểm rất tích cực.
Đó là đã bổ sung 9 người vào danh sách thành viên Tổ công tác, với những gương mặt luôn có quan điểm đổi mới mạnh mẽ và luôn có tinh thần “cởi trói cho DN” như TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, là Trưởng Ban Thư ký của Tổ Công tác, rồi TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế Bộ Tư pháp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương... “và trong đó có cả một Luật sư hoàn toàn độc lập là tôi”, Luật sư Đức nói.
Luật Đầu tư và Luật DN 2014 được coi là hai đạo luật quan trọng thể chế hóa đầy đủ quyền tự do đầu tư và kinh doanh. Có nhiều điểm tiến bộ rất đáng ghi nhận của Luật DN, trong đó có vấn đề tự do về ngành nghề kinh doanh, về con dấu và số người đại diện pháp luật.
“Tôi ủng hộ hết mình quan điểm đổi mới này. Nó rất lợi cho nội bộ DN, nhưng do đổi mới không dứt khoát, nên thực tế đấy cũng chính là 3 rắc rối lớn trên thực tế mà các đối tác của DN phải đối mặt”, theo Luật sư Đức.
Nghị định bó luật, DN chờ Tổ công tác ra tay
Những rắc rối trên thực tế khiến “DN lấn cấn lắm, làm sợ sai, không làm thì chết. Không biết thế nào mà lần, nhưng chưa thấy Tổ đâu”, LS. Trần Vũ Hải đã than như vậy từ mấy tháng trước. LS. Hải nói “DN mong tổ công tác từng ngày”. Khi đó LS. Trần Vũ Hải cũng đã khá bức xúc và nóng ruột vì “chưa thấy Tổ công tác ra tay”.
Khẳng định tinh thần của Luật DN rất tốt. Nhưng các luật sư cho biết từ luật đến các nghị định hướng dẫn thi hành luật đã rất khác nhau và đã thấy rõ độ vênh khá lớn. Và sau nửa năm thực hiện luật, thì chính 3 điểm tiến bộ nhất của luật lại là 3 nhóm vướng mắc chính bởi do chính các quy định của hai luật do chưa được hiểu thống nhất và vướng mắc phát sinh do sự chưa thống nhất giữa hai luật này và các văn bản luật khác; và ba là các vướng mắc liên quan đến quy định về điều kiện kinh doanh và đầu tư.
Tinh thần của Luật DN là khẳng định quyền tự do kinh doanh, nhưng từ luật đến nghị định hướng dẫn thi hành luật về đăng ký đã có độ vênh và nghị định đã thu hẹp quyền tự do kinh doanh so với quy định của luật.
Điển hình nhất, giấy tờ thủ tục đăng ký kinh doanh, trước đây theo quy định Luật DN 2005 đã là cởi mở, tiến bộ tốt rồi, theo Luật DN 2014 này lẽ ra phải thông thoáng hơn nữa, nhưng thực tế lại đang khó khăn hơn.
Ví dụ, Luật DN 2014 đã quy định không cần ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN, nhưng rốt cuộc nó lại được biến thành phụ lục – thế là thành rắc rối hơn trước. Nhưng lạ là ở chỗ cả luật, nghị định cũng như thông tư không thấy quy định phải làm như thế.
Trong khi đó, ông Cung đã hơn một lần khẳng định, phụ lục đó là không cần thiết, không có giá trị pháp lý gì, và nó trái với quy định của Luật DN 2014.
Vướng nhất có lẽ là xử lý các vấn đề mâu thuẫn giữa Luật DN và Luật Đầu tư với các luật chuyên ngành và văn bản liên quan về điều kiện kinh doanh. Còn có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí ngay trong một cơ quan, đơn vị. Ngay cả khi đã thống nhất quan điểm thì việc thể hiện các điều kiện kinh doanh thế nào để vừa không trái với 2 đạo luật này, vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý, cũng là một việc không đơn giản.
Đơn cử, chỉ riêng vấn đề thủ tục bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh của các DN đầu tư nước ngoài, với 2 đạo luật và 2 lĩnh vực cùng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và quản lý cũng đã vướng mắc, chưa ngã ngũ. Đó là làm thủ tục đầu tư trước hay làm thủ tục đăng ký kinh doanh trước? Kết quả là quyền tự do kinh doanh của DN bị ách tắc.
Thực tế đang đòi hỏi phải có những hành động mạnh mẽ và dứt khoát. Luật đã minh định, vấn đề chỉ còn là làm sao để các cơ quan hiểu rõ và tuân thủ theo đúng nguyên tắc tôn trọng quyền hiến định là tự do kinh doanh của DN. Tổ công tác đang đứng trước trách nhiệm khó khăn, nặng nề.
Kết thúc buổi trò chuyện, LS. Đức nói: “Nếu không có sức ép thì các cơ quan sẽ không làm. Tổ công tác, với sự ủng hộ của DN và công luận sẽ là nơi tạo sức ép”.