Ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử
Có thể vô tình tiếp tay hàng giả, hàng gian
Theo thông tin tại sự kiện, TMĐT đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25-30%/năm. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng TMĐT tại Việt Nam đạt 30%, với tổng doanh thu bán lẻ đạt trên 8 tỷ USD.
Tuy nhiên, song hành với tốc độ phát triển của thương mại điện tử, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến; các vi phạm cũng ngày càng tinh vi.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) khẳng định, TMĐT đã trở thành kênh tiêu thụ "hiệu quả" các loại hàng giả, hàng gian lận, hàng cấm, dẫn đến mất lòng tin của người tiêu dùng.
Năm 2018, riêng Cục QLTT Hà Nội đã xử phạt gần nửa tỷ đồng các vụ liên quan đến TMĐT. Điển hình là mới đây, đội QLTT Nam Từ Liêm đã phát hiện và bắt giữ sản phẩm vi phạm của một website là đồ kích dục với giá trị lên tới gần 2 tỷ đồng.
Cũng theo ông Linh, các vi phạm trên môi trường TMĐT chủ yếu là không đăng ký, không thông báo, các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ đăng hình ảnh hàng hóa thật để thu hút người tiêu dùng, giá rất rẻ do là hàng nhái, giả... Đặc biệt là các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, pháo...
Các công ty chuyển phát cũng là một đầu mối tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại do hầu hết các loại giao dịch trên nền tảng internet đều không có hóa đơn chứng từ.
5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam ký cam kết nói không với hàng giả trên TMĐT |
ng Linh cho biết, hàng hóa giao dịch TMĐT đều được thanh toán qua trung gian, các cơ quan chuyển phát vô hình trung trở thành vận chuyển hàng giả, hàng gian... gây nhiều khó khăn cho lực lượng QLTT.
Trong khi đó, với thanh toán chủ yếu qua môi trường điện tử thì để tìm dấu vết người bán, người mua là hết sức khó khăn, do các quy định bảo mật thông tin cá nhân. Các sàn TMĐT lại chưa có công cụ kiểm soát hiệu quả.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng chia sẻ, tình trạng hàng giả, hàng nhái diễn ra rộng rãi là do các lực lượng chức năng chưa nhận diện được các thủ đoạn kinh doanh trên TMĐT, nên chưa kiểm soát được tình hình gian lận. Hệ thống văn bản pháp luật chưa theo kịp sự phát triển công nghệ, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
Ông Thế cho biết, để xử lý được một vụ buôn bán hàng giả, hàng nhái trên TMĐT không đơn giản. Bởi dù có nhìn thấy nhièu hoạt động khả nghi nhưng để đi đến tận cùng thì cần phải phối hợp rất nhiều lực lượng. Cộng thêm việc người tiêu dùng chưa biết cách tự bảo vệ mình trước những thủ đoạn điển hình của các đối tượng gian lận như bán giá rẻ hơn, cộng nhiều ưu đãi hơn…
Phải có chế tài mạnh tay
Năm sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam gồm: Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn đã ký kết "Nói không với hàng giả trong TMĐT", nhằm thể hiện rõ trách nhiệm và quyết tâm mạnh mẽ trong việc chung tay đẩy lùi nạn hàng giả; Đồng thời cam kết bán hàng hóa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại lễ ký kết, đại diện các sàn TMĐT cũng đã chia sẻ nhiều biện pháp để chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như thực hiện “đánh sao” các nhà cung cấp (người tiêu dùng trực tiếp đánh giá), sử dụng các phần mềm quét, sàng lọc các nhà cung cấp đã có vết hoặc tìm kiếm những mặt hàng thông dụng bày bán trên sàn nhưng lại có giá thấp hơn nhiều so với giá nhà sản xuất đưa ra…
Tuy nhiên, ngoài sự cam kết từ các đại diện các sàn TMĐT, cũng còn cần nhiều biện pháp để có thể từng bước đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái ra khỏi đời sống kinh tế - xã hội, do hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ xuất hiện trên các sàn TMĐT mà còn xuất hiện ở rất nhiều các website, mạng xã hội, trang cá nhân.
Do đó, ông Trần Hữu Linh kiến nghị, với đặc điểm của internet được khởi tạo nhanh và gỡ đi cũng nhanh, cho nên cần chế tài xử lý mạnh hơn để đáp ứng tốc độ phát triển nhanh, mạnh như hiện nay.
Ngoài ra, cần phải xây dựng một nghị định quản lý mới so với nghị định đang hiện hành và phải có chương riêng về xử lý vi phạm hành chính trong TMĐT.
“Phải có các chế tài xử lý mạnh hơn xử lý các vi phạm ở ngoài đời sống thực như dừng cấp tên miền, gắn trách nhiệm của các sàn TMĐT, cần có sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với các cơ quan tài chính, thuế...”, ông Linh nói.
Ông Đàm Thanh Thế cũng khẳng định, với vai trò điều hành, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ thực hiện tất cả các nhiệm vụ đầu mối của mình với các cơ quan liên quan bởi công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái không phải là nhiệm vụ của từng riêng cơ quan.
Tuy nhiên, theo ông Thế, các doanh nghiệp cũng phải mạnh dạn thể hiện thái độ của mình trước tình trạng sản phẩm của mình bị làm nhái, không thể để xảy ra hiện tượng cơ quan chức năng thông báo doanh nghiệp đến nhận diện hàng giả nhưng doanh nghiệp lại không đến vì… ngại.