Ngân hàng lưu động lên vùng cao: Bài 2: Mô hình hiệu quả cần nhân rộng
Ngân hàng lưu động lên vùng cao: Bài 1: Gần dân để thấu hiểu |
“Giờ Agribank có điểm giao dịch về tận gần nhà, gia đình tôi chỉ cần đăng ký lịch thanh toán với nhà cung cấp trùng với phiên giao dịch là yên tâm, vừa không mất thời gian đi lại, vừa nhanh gọn, an toàn”, ông Trường cho biết.
Triển khai mô hình ngân hàng lưu động bằng ô tô chuyên dụng được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để mở rộng phạm vi phục vụ của Agribank; để gần dân, sát dân, kịp thời lắng nghe được các ý kiến phản hồi trực tiếp của người dân, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng...
Lạng Sơn là một trong các tỉnh được Hội sở Agribank chọn thí điểm triển khai mô hình ngân hàng lưu động bằng xe ô tô chuyên dụng ngay từ đợt đầu.
“Được giao nhiệm vụ thí điểm triển khai, nhưng chúng tôi thấy rằng mô hình ngân hàng lưu động này là một cơ hội lớn cho hệ thống Agribank Lạng Sơn trong sứ mệnh thúc đẩy phát triển phủ sóng mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ hiện đại tới các vùng sâu, vùng xa”, ông Trịnh Xuân Đoan, Giám đốc Agribank Lạng Sơn chia sẻ.
Mô hình ngân hàng lưu động bằng ô tô được người dân đánh giá cao |
Qua quá trình thực hiện, thực tế cho thấy kết quả đúng như ông Đoan nhìn nhận. Theo Giám đốc Agribank Hữu Lũng, ông Dư Chấn Hưng, bước đầu triển khai đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của chính quyền địa phương cũng như người dân.
“Bà con nhân dân vùng sâu, vùng xa rất phấn khởi vì giảm thiểu tối đa chi phí, thời gian đi lại và đảm bảo an toàn cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch với ngân hàng”, ông Hưng khái chia sẻ.
Thống kê cho thấy, tính đến ngày 30/6/2019, các điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng được triển khai tại Agribank Hữu Lũng đều đạt được kết quả khả quan.
Thông qua 183 phiên giao dịch, Agribank Hữu Lũng đã giao dịch tổng cộng với 52.693 lượt khách hàng với tổng số bút toán giao dịch là 54.595 giao dịch.
Đặc biệt, ngoài những giao dịch truyền thống như cho vay, huy động tiền gửi thì những dịch vụ mới hiện đại của ngân hàng như: tài khoản thanh toán, thẻ, chuyển tiền trong nước, SMS, Mobile Banking, bảo hiểm… đã thông qua các phiên giao dịch của ngân hàng lưu động đến được với đông đảo khách hàng của Agribank.
“Mô hình đã thực sự tạo nên bước đột phá trong triển khai các nghiệp vụ ngân hàng”, Trưởng điểm giao dịch lưu động của Agribank Hữu Lũng, ông Nông Văn Dân, nói. “Ngoài những tiện ích ngân hàng hiện đại đến với bà con vùng sâu, vùng xa thì hình ảnh, thương hiệu của Agribank được nâng tầm”.
Như với xã Đồng Tiến, Hữu Lũng - địa bàn có trên 300 hộ vay với dư nợ khoảng 15 tỉ đồng (không tính số doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã), việc tổ chức các phiên giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dụng giúp Agribank chủ động tiếp cận sâu rộng tới khách hàng tiềm năng.
Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến, ông Đàm Văn Học, đánh giá: Đây là một nét đổi mới trong hoạt động của Agribank Hữu Lũng, đem lại rất nhiều tiện ích cho người dân cũng như các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao dịch, giải quyết các vấn đề liên quan đến ngân hàng.
“Chúng tôi coi nhiệm vụ phối hợp với ngân hàng là giúp cho sự phát triển kinh tế bền vững và ổn đinh an ninh, trật tự trên địa bàn. Khiến đồng vốn của ngân hàng trở thành một đối trọng tiêu diệt tình trạng cho vay nặng lãi của các đối tượng xã hội đen đang vươn vòi bạch tuộc đến tận vùng sâu.vùng xa”, ông Học nói.
Sự phối hợp của địa phương giúp hoạt động của điểm giao dịch ngân hàng lưu động có nhiều thuận lợi. |
Tham gia mô hình thí điểm từ ngày đầu, Trưởng điểm Nông Văn Dân nhìn thấy tiềm năng và hiệu quả của mô hình điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng này, ông mong hoạt động của mô hình sẽ được hỗ trợ thêm để mở rộng hơn phạm vi tiếp cận đến người dân.
Theo ông Dân, hạn chế về đường truyền Internet là một trong những trở ngại lớn đối với những vùng hoạt động của điểm giao dịch lưu động, đa phần là ở những vùng sâu vùng xa.
“Đôi khi, đường truyền không đáp ứng được nối mạng với trung tâm cán bộ phải thao tác thủ công, khiến quy trình nghiệp vụ không thể đảm bảo, tốn thời gian công sức sao kê lại dữ liệu giao dịch sau phiên...”, ông Dân chia sẻ.
Trưởng điểm giao dịch lưu động này cũng đề nghị tăng cường hơn về các trang bị trên xe ô tô chuyên dụng, để có thể chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt ở những vùng núi, nhằm cải thiện môi trường làm việc cho nhân viên.
“Điểm giao dịch lưu động đã mở rộng mạng lưới hoạt động ngân hàng tới các vùng xa xôi, hẻo lánh, giúp giảm bớt tín dụng đen, thu hẹp khoảng cách về tiếp cận dịch vụ ngân hàng giữa thành thị và nông thôn, rất cần được nhân rộng”, ông Đàm Văn Học nói.