Ngân hàng tìm vốn Nhật Bản
Trong 8 tháng đầu năm 2013, Sacombank đã có nhiều hoạt động tiếp cận với đối tác nước ngoài. Chủ tịch HĐQT Sacombank Phạm Hữu Phú khẳng định, trong 7 nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đàm phán, ngân hàng này có xu hướng chọn đối tác Nhật Bản làm cổ đông chiến lược do nét tương đồng giữa văn hóa Nhật Bản và Việt Nam.
Và với việc thu hẹp được đối tác tiếp tục đàm phán như vậy, Sacombank đã tiến thêm một bước trong lộ trình thực hiện tăng vốn giai đoạn 2, dự kiến hoàn tất trong quý IV/2013. Tỷ lệ cổ phần bán cho NĐT chiến lược nước ngoài lần này tối đa lên đến 20% vốn điều lệ.
Chiến lược ngân hàng bán lẻ như một “mồi câu” NĐT ngoại
Không chỉ có Sacombank đang trông đợi nhiều vào khối ngoại, tại ĐHCĐ thường niên hồi đầu năm, HĐQT HDBank cũng đã trình kế hoạch gọi vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài, bên cạnh kế hoạch sáp nhập DaiA Bank và mua lại 100% vốn của một công ty trong lĩnh vực tiêu dùng. Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, ngân hàng đã thuê công ty tư vấn để triển khai việc tìm đối tác chiến lược nước ngoài. Đồng thời, HDBank đã tiếp xúc và làm việc với các đối tác đến từ Nhật Bản, Anh...
Theo thông tin từ ngân hàng này, khả năng đối tác chiến lược nước ngoài của HDBank cũng là một Tập đoàn tài chính của Nhật Bản.
Trong khi đó, một ngân hàng vốn ổn định tài chính khác - DongA Bank - cũng thông tin về kế hoạch săn vốn ngoại. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc cho hay, ngân hàng này cũng đang xúc tiến để thu hút vốn đầu tư Nhật Bản. Đua theo các đại gia lớn tìm vốn nước ngoài, nhiều ngân hàng nhỏ cũng đặt kỳ vọng vào "bầu sữa ngoại" này. Chủ tịch một NHTMCP khác tại TP.Hồ Chí Minh, đơn vị trong trạng thái tái cơ cấu, tiết lộ đang đàm phán với một số NĐT châu Á về việc tiếp vốn. Trong đó, đối tác Nhật Bản mà ngân hàng này đang đàm phán bày tỏ sự quan tâm nhiều nhất.
Thực ra, việc chờ đợi vốn từ Nhật Bản không mới trên thị trường tài chính bởi trước đó, hàng loạt ngân hàng lớn thành công trong việc tiếp nhận vốn Nhật như: Vietcombank, VietinBank, Eximbank… Khảo sát thực tế cho thấy, các ngân hàng sau khi được đầu tư vốn ngoại thường có thanh khoản tốt hơn và ngân hàng cũng tiếp cận được nhiều cơ hội phát triển hơn. Chỉ khác là trước đây, mục tiêu chính của việc tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài đối với các ngân hàng là nhằm nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh. Thì nay, ưu tiên cao hơn là tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.
Thừa nhận mục tiêu tìm vốn ngoại để giải quyết nợ xấu, vị Chủ tịch HĐQT một ngân hàng giãi bày: Thị trường quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại Mỹ, Úc… Giải pháp nhanh nhất lúc này mà chúng tôi tính đến là phương án cầu cứu vốn ngoại từ những NĐT lân cận, gần Việt Nam. Trong khi đó, các ngân hàng Nhật Bản cũng thiên về chiến lược bán lẻ và điều này phù hợp với chiến lược mà nhiều ngân hàng Việt Nam đang đặt ra.
Vì thế, khi hợp tác, hai bên sẽ cùng hỗ trợ nhau phát triển tốt hơn những thế mạnh hiện có của mình. Tuy nhiên, vị này cũng thông tin rằng, vì thời gian thương thảo với đối tác Nhật Bản khá dài do phải định giá lại. “Nên mọi chuyện không dễ dàng”, ông nói.
Ông Trần Phương Bình tiết lộ, kế hoạch tìm vốn ngoại đã được DongA Bank triển khai từ ĐHCĐ năm 2012, xác định việc liên kết, hợp tác đầu tư sẽ đem lại kết quả tốt cho hệ thống trong bối cảnh hiện nay. Săn vốn ngoại hay hợp tác với các NĐT nước ngoài, thậm chí tìm cơ hội ở thị trường mới trong thời điểm nợ xấu khó khăn như hiện nay là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, ông Bình nhìn nhận: “Các NĐT Nhật Bản rất thận trọng và đưa ra những tiêu chí khắt khe, nên việc đàm phán không phải một sớm một chiều”.
Bàn về mối liên kết này, một chuyên gia cho rằng, sự hợp tác có lợi cho cả đôi bên. Các định chế tài chính nước ngoài thường lựa chọn đối tác là các ngân hàng Việt Nam dựa trên các yếu tố như: ngân hàng có đủ lớn để họ tham gia vào; ngân hàng đó có chiến lược phát triển để có thể trở thành một ngân hàng hàng đầu hay không; cũng như ngân hàng đó có quan tâm đến chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ…
Ngược lại, ngân hàng trong nước tiếp cận được công nghệ, trình độ chuyên môn cao, sự chuyên nghiệp trong quản lý và chủ yếu là nguồn tài chính ổn định. “Việc tìm kiếm được đối tác ngoại phù hợp hay không ở thời điểm này không dễ dàng đối với những ngân hàng không đủ tiềm lực tài chính. Còn đối với những ngân hàng mạnh, đây sẽ là cơ hội tốt để họ tiếp cận nguồn vốn mới hiệu quả từ bên ngoài. Song một thực tế phải chấp nhận là sau khi liên kết, thường là đối tác nước ngoài kiểm soát điều hành toàn bộ”, vị chuyên gia này nói.
KIM