Ngân hàng với phát triển công nghiệp hỗ trợ
Khơi nguồn tài chính cho công nghiệp hỗ trợ | |
Hướng dẫn chính sách cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ | |
Công nghiệp hỗ trợ rộng cửa đón vốn |
Tạo lập cơ chế
Trên tổng thể vĩ mô, phải tạo lập môi trường pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các nguồn lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Theo đó, phải xây dựng, ban hành và thực hiện hệ thống cơ chế chính sách (chiến lược, dài hạn) về tài chính, hạ tầng và công nghệ, đào tạo, thị trường… cho sự phát triển của CNHT, có sự phân biệt đối với các lĩnh vực ngành sản xuất khác.
Hầu hết các công ty làm sản phẩm phụ trợ đều là DNNVV thiếu vốn và khả năng quản trị chưa tốt |
Hiện nay đã có một số cơ chế chính sách cho lĩnh vực này, song hiệu quả chưa cao, chưa đủ mạnh để khuyến khích, kích thích CNHT phát triển. Cần phải xác định hai nguồn cho phát triển là vốn tự có và vốn vay.
Tuy nhiên nguồn lực vốn luôn là khó khăn nội tại của các DNNVV trong suốt thời gian qua, vì thế cần sự hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ thông qua hoạt động của quỹ hỗ trợ DN, quỹ bảo lãnh, quỹ phát triển… nhằm hỗ trợ cho các DN CNHT. Các nước đã đi trước trong lĩnh vực này như Nhật Bản, Hàn Quốc đều làm như vậy thông qua các quỹ hỗ trợ cho DN.
Chính phủ định hướng và tạo điều kiện để DN có thể tiếp cận, chuyển giao, cũng như trang bị công nghệ hiện đại. Đồng thời hỗ trợ, tổ chức đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Hoạt động đó cần gắn với các chương trình đào tạo, các hoạt động tiếp cận và học tập kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển theo kế hoạch cụ thể.
Bên cạnh đó, là việc xây dựng hệ thống DNNVV hoạt động chuyên nghiệp, khắc phục được những tồn tại căn bản hiện nay về trình độ quản trị, kỹ năng kinh doanh, trình độ tay nghề công nhân, trình độ công nghệ và vốn. Trong đó phải đảm bảo tính minh bạch, tuân thủ luật pháp và chống gian lận thương mại, trốn thuế. Khắc phục được tồn tại, DNNVV hoạt động hiệu quả, sẽ là động lực trực tiếp thúc đẩy CNHT phát triển.
Thêm vào đó, phải có chính sách hỗ trợ thị trường và liên kết hoạt động, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng. CNHT phải gắn với các hoạt động công nghiệp khác tạo ra liên kết và khép kín trong quá trình hình thành sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm. Quá trình này đòi hỏi không chỉ các DN tự chủ và liên kết trong hoạt động sản xuất mà cần có sự hỗ trợ, định hướng, cũng như tạo thị trường tiêu thụ cho DN.
Giải pháp tài chính - ngân hàng
Đó là việc thực hiện chính sách tín dụng ưu tiên đối với phát triển CNHT. Theo đó, cần đảm bảo mức lãi suất hợp lý và ổn định được duy trì trong từng thời kỳ phát triển của nền kinh tế, kể cả khi thị trường biến động. Có thể tạo ra một mức trần lãi suất cho vay dành riêng cho CNHT, khuyến khích DN phát triển.
Đồng thời, cũng tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu tiên đối với DN ứng dụng công nghệ cao để kích thích và khuyến khích đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.
Cùng với đó, cần tạo những nguồn vốn tín dụng trung-dài hạn để đầu tư, đổi mới công nghệ hiện đại đối với các DN này thông qua cơ chế chính sách tái cấp vốn cho NHTM dành tín dụng cho vay CNHT, áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp đối với các TCTD có dư nợ cho vay lĩnh vực này cao. Thêm nữa, là phát triển và mở rộng dịch vụ ngân hàng bán lẻ.
Cũng cần tập trung tiếp tục đổi mới quy trình nghiệp vụ, đổi mới mô hình quản trị kinh doanh theo các kênh phân phối sản phẩm dịch vụ ngân hàng như: khách hàng cá nhân, khách hàng DN, khách hàng DNNVV… từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho DN tiếp cận vốn vay thuận lợi. Đồng thời đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro trong tăng trưởng tín dụng đối với nhóm khách hàng này.
Bên cạnh đó, các NHTM phải mở rộng và phát triển các dịch vụ của mình đối với các DN trong khu chế xuất-khu công nghiệp, các DN đã và đang hoạt động sản xuất trong lĩnh vực CNHT.
Cùng với đó, là nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty cho thuê tài chính, nhằm phát triển hiệu quả dịch vụ cho thuê, thuê mua máy móc thiết bị đối với các DNNVV, công ty hoạt động sản xuất trong lĩnh vực CNHT. Giải pháp này cùng với giải pháp về tín dụng ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho DN về vốn để đầu tư máy móc thiết bị, phát triển sản xuất kinh doanh.
Hiện nay đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT chủ yếu là các DNNVV. Và sự thành bại của các DN phụ thuộc một phần rất lớn vào sự minh bạch và tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Đảm bảo được việc này không chỉ khiến cho quản trị DN hiệu quả, chuyên nghiệp, mà còn tạo điều kiện tốt cho DN trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.