Ngành cà phê hy vọng ở năm 2019
Người trồng cà phê đối mặt với thách thức | |
Khi cà phê hướng tới chế biến sâu |
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên ngày 25/1/2019 đã tăng trở lại, với mức tăng 500 đồng/kg (đạt 33.200 đồng – 33.900 đồng/kg). Thị trường cà phê trong nước như vậy là tăng theo đà hồi phục của thị trường cà phê thế giới. Tại Việt Nam, sản lượng cà phê của niên vụ 2018/19 dự báo sẽ giảm 10% so với niên vụ trước, xuống ở mức 27 triệu bao do thời tiết không thuận lợi.
Nhiều doanh nghiệp đang hướng đến tăng giá trị cà phê tiêu thụ trên thị trường |
Mặt khác, nguồn cung cà phê tại khu vực Trung Mỹ sẽ khan hiếm vì ảnh hưởng thời tiết xấu tại Brazil. Chính phủ Brazil dự báo sản lượng cà phê của nước này trong năm 2019 đạt khoảng 50 triệu - 55 triệu bao (loại 60 kg), giảm 15% so với vụ thu hoạch 2018.
Theo ông Phan Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Vicofa cho biết, năm 2018 là năm lận đận nhất của ngành cà phê Việt Nam, bởi giá cà phê giảm mạnh đã gây thiệt hại từ 2.500 tỷ – 3.000 tỷ đồng cho ngành này. Lượng cà phê nhập khẩu của toàn thế giới năm 2018 đạt 108,3 triệu bao, tăng 500.000 bao so với niên vụ trước đó, tồn kho tăng 600.000 bao.
Nhập khẩu cà phê của các nước Châu Âu (EU) tăng 500.000 bao (đạt 108,3 triệu bao) do lượng tiêu thụ tăng mạnh hơn dự đoán đưa ra trước đó. Từ năm 2019 tình hình có thể khả quan hơn, bởi nhìn vào mức tiêu thụ của thị trường thế giới có thể thấy được sự gia tăng tiêu thụ cà phê.
Ở châu Á, những năm gần đây, Hàn Quốc đang có xu hướng tăng mạnh tiêu thụ cà phê. Ước tính, tổng giá trị thị trường cà phê tại nước này hiện nay đạt đến 11.000 tỷ won (tương đương 10,8 tỷ USD). Và Hàn Quốc trở thành quốc gia có mật độ cửa hàng cà phê cao nhất trên thế giới. Hiện Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ hai cho nước này sau Brazil.
Hiện nay, sản phẩm cà phê qua chế biến của Việt Nam đang từng bước thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Cà phê Việt Nam đã có mặt trên kệ siêu thị ở đây, với các loại espresso hòa tan, cà phê “3 trong 1" hay cà phê pha phin dành cho những người gốc Việt. Thị trường Hoa Kỳ rộng lớn, với nhiều sắc tộc, nhiều nhóm khách hàng là cơ hội cho cà phê Việt Nam trong thời gian tới.
Tại thị trường Thái Lan, cà phê Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển, với thị phần cà phê thô chiếm 86% và cà phê tan chiếm khoảng 10% (thương hiệu là G7). Ở thị trường tiêu thụ nội địa, mặc dù mức tiêu thụ cà phê hòa tan còn chiếm tỷ lệ thấp nhưng cũng có xu hướng tăng, do ngày càng nhiều người nước ngoài sinh sống tại các thành phố lớn. Đây chính là những dư địa mà doanh nghiệp ngành cà phê kỳ vọng trong năm 2019 này.
Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, hiện nay nhiều doanh nghiệp cà phê lớn của Việt Nam đang hướng đến sản xuất cà phê hoa tan hay phát triển cà phê đặc sản, để tăng giá trị cà phê tiêu thụ trên thị trường thế giới và trong nước.
Từ trước đến nay, cà phê Việt Nam được chia làm nhiều phân khúc từ thấp cấp đến cao cấp, đến nay doanh nghiệp còn chú trọng thêm nhóm thứ ba là cà phê đặc sản. Tuy vẫn còn khá mới mẻ, nhưng tại Buôn Ma Thuột đang có nhiều lợi thế để phát triển vùng cà phê đặc sản, với sản lượng ước khoảng 1.000 tấn/năm.
Như vậy, doanh nghiệp ngành cà phê Việt vẫn rất tâm huyết, dù thời gian qua việc giảm giá cà phê xuất khẩu khiến nhiều hộ trồng cà phê chuyển đổi cây trồng, làm sản lượng cà phê sụt giảm qua từng niên vụ. Và dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2018 - 2019 giảm khoảng 20% xuống còn 1,2 triệu tấn. Về giá cà phê, dự báo đến tháng cuối năm 2019 sẽ phục hồi tích cực, là thuận lợi lớn cho ngành cà phê.