Người trồng cà phê đối mặt với thách thức
Sụt giảm sản lượng
Gần đây, thị trường xuất khẩu cà phê Việt Nam luôn chịu áp lực cạnh tranh về giá từ các nước trên thế giới. Cùng với đó, giá cà phê nhân trong nước liên tục sụt giảm, neo ở mức giá thấp kỷ lục và kéo dài trong nhiều năm. Có thể nói, đây là bất lợi lớn cho người nông dân và các DN trồng cà phê trong nước. Doanh thu sụt giảm, kéo theo thu nhập của nông hộ cũng giảm đáng kể, và có nguy cơ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Cần có giải pháp bền vững trong việc nâng tầm giá trị cà phê Việt Nam |
Đăk Lăk là một trong những địa phương có diện tích trồng cà phê lớn nhất cả nước, góp phần rất lớn trong hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Lăk, niên vụ 2017-2018, tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của địa phương là trên 191.000 tấn.
Nếu so với niên vụ 2016-2017, cà phê xuất khẩu của Đăk Lăk giảm khoảng hơn 5% về sản lượng; tương đương khoảng 10 ngàn tấn. Theo ngành nông nghiệp Đăk Lăk, một phần là do người nông dân đang thực hiện việc tái canh các vườn cà phê già cỗi, kém hiệu quả, năng suất thấp.
Đến thời điểm hiện tại, diện tích cà phê tái canh của địa phương là khoảng 26.818ha, đạt 64,48% kế hoạch. Riêng trong năm 2018, các nông hộ và DN thực hiện tái canh được khoảng 4.862ha, đạt khoảng 71% kế hoạch.
Hoạt động tái canh tại địa phương diễn ra chậm và gặp nhiều khó khăn về vốn đối với cả nông dân và một số DN sản xuất cà phê. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều nông hộ không mặn mà với cây cà phê, và bắt đầu chuyển đổi sang trồng các loại cây khác, nhất là các loại cây ăn trái như trồng sầu riêng, bơ, chanh leo và cây khác có giá trị cao hơn…
Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đăk Lăk, chính quyền địa phương không có chủ trương tăng diện tích cà phê ngoài quy hoạch, đồng thời tập trung tái canh cà phê theo kế hoạch đã được UBND tỉnh Đăk Lăk phê duyệt. Đặc biệt, tập trung nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đây là hướng phát triển mới, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trên thế giới. Nhằm nâng cao giá trị cà phê và thu nhập cho người nông dân.
Giá cả bấp bênh
Theo nhiều người trồng cà phê ở Đăk Lăk, những năm gần đây, nông hộ luôn đối mặt với nhiều thách thức. Ông Nguyễn Văn Đức ở huyện Cư M’gar, một trong những hộ trồng cà phê lâu năm chia sẻ, người nông dân chưa bao giờ khó khăn như những năm gần đây. Trong 2 niên vụ liên tiếp, sản lượng cà phê sụt giảm do ảnh hưởng bởi khí hậu mưa nắng thất thường, khiến cây cà phê ra hoa không đồng loạt. Cùng đó, là hiện tượng rụng trái non cũng khiến nông dân đau đầu.
Thế nhưng, vấn đề chính khiến ông Đức và nhiều nông hộ nơi đây lo lắng là giá cà phê sụt giảm liền trong 3 niên vụ gần đây. Giá cà phê luôn neo ở mức thấp, thời điểm cao nhất giá cà phê đạt khoảng trên 42 ngàn đồng/kg cà phê nhân. Còn lại phần lớn thời gian, giá cà phê chỉ dao động quanh mức từ 32 – 36 ngàn đồng/kg cà phê nhân. Điều này khiến một số hộ không cầm cự nổi, dần chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.
Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Đăk Lăk đạt 365 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,47% so với cả nước; giảm 18%, tương đương với khoảng hơn 80 ngàn USD so với năm trước.
Theo ông Trần Đức Thọ, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu cà phê Đức Nguyên, để đảm bảo thu nhập cho người trồng cà phê, các cơ quan chức năng cần có những chính sách hỗ trợ. Trong đó, có giải pháp ổn định về giá. Cùng với đó, các DN cũng đang cố gắng nỗ lực tìm cách nâng cao giá trị gia tăng cà phê bởi chỉ có các sản phẩm chế biến sâu mới giúp ngành cà phê không bị chi phối, ảnh hưởng nhiều bởi sự biến động về giá trên thị trường thế giới.
Thế nhưng, trước mắt để ổn định cho người nông dân trong cà phê, ông Thọ cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ cho DN như hỗ trợ lãi suất vốn vay, trợ giá để DN thu mua tạm trữ lúc giá thị trường đi xuống.