Từ trang trại vệ tinh đến thực phẩm sạch
Kiểm soát và bảo đảm thực phẩm sạch | |
Liên kết thúc đẩy cung ứng thực phẩm sạch |
Trang trại vệ tinh là điển hình trong chuỗi sản xuất khép kín mà DN ngành chế biến thực phẩm Việt Nam đang hướng đến. Bởi trong chuỗi sản xuất trải qua nhiều khâu trung gian như từ trước đến nay (nông hộ sản xuất nhỏ, lẻ và thiếu tổ chức, tiêu thụ phụ thuộc thương lái và bị chi phối về giá cả, số lượng) khiến DN gặp khó khăn trong kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm cuối cùng (đến bàn ăn người tiêu dùng).
Phát triển trang trại vệ tinh mang lại lợi ích cho cả DN và nhà nông |
Trang trại vệ tinh là trong đó, nhà nông và DN liên kết với nhau thông qua hợp đồng sản xuất các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt theo chuỗi từ cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi (hay phân bón) đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ đây, sản phẩm trên bàn ăn của người dân sẽ là những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng nhu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, mô hình trang trại vệ tinh ở Việt Nam hiện nay đang có hai hình thức liên kết đặc trưng, thứ nhất là liên kết chiều dọc, theo đường đi của sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng và liên kết chiều ngang các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Với liên kết dọc, DN là nhà đầu tư, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nhà nông.
Cụ thể có rất nhiều DN Việt đã chọn phát triển trang trại vệ tinh theo kết dọc này và đang rất thành công. Như Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, với lĩnh vực chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm. DN đã rất thành công trong việc phát triển cả chuỗi giá trị từ sản xuất con giống đến thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia công và chế biến thịt.
Trong chế biến thực phẩm, Dabaco có dây chuyền giết mổ gà nhập khẩu đồng bộ từ Đan Mạch, một xưởng giết mổ lợn, cung cấp sản phẩm thịt gà, thịt lợn sạch cho thị trường và một máy chế biến công nghệ hiện đại nhất hiện nay (nhập khẩu từ Châu Âu) để sản xuất xúc xích, dăm bông, đồ hộp, giò, chả… đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tương tự, những DN khác như Ba Huân, từ hộ sản xuất gia đình đến nay đã tăng quy mô đàn gà lên một triệu con, hệ thống nhà máy chế biến công suất 20 tấn/giờ…
Ở liên kết chiều ngang trong phát triển trang trại vệ tinh có Tập đoàn Hùng Nhơn (tỉnh Bình Phước) đang hợp tác cùng DN sản xuất thức ăn chăn nuôi nổi tiếng của Hà Lan là De Heus cung cấp thức ăn chăn nuôi, và hợp tác với Công ty TNHH Bel Gà (tỉnh Lâm Đồng) cung cấp gà giống, đưa tổng đàn gà giống của công ty lên đến 600.000 con /lứa và cung cấp cho thị trường cả nước đến 3 triệu con gà thịt/năm.
Thêm nữa còn có mô hình trang trại hợp tác xã vệ tinh cũng đang góp phần chất lượng cao. Như Hợp tác xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) quy tụ nhiiều hộ gia đình xã viên tại địa phương thành lập tủ ấp trứng gia cầm thủ công và máy ấp trứng hiện đại, cung cấp trên 100.000con giống gia cầm/tháng cho thị trường. …
Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, việc phát triển trang trại vệ tinh thành công này đã mang lại lợi ích cho cả DN và nhà nông. Với DN, trang trại vệ tinh tạo điều kiện cho hoạt động quản lý quy trình khép kín từ trang trại đến tiêu dùng, cắt giảm tối đa các chi phí trung gian và xây dựng thương hiệu.
Đặc biệt, DN có thể kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm (kể cả hàng xuất khẩu), cân đối tốt việc phát triển sản xuất lâu dài. Với nhà nông, làm trang trại vệ tinh sẽ giảm nhiều chi phí sản xuất, bởi được DN cung cấp sản phẩm đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật…) và có thị trường tiêu thụ, ổn định đầu ra, tăng thu nhập và lợi nhuận.
Dự báo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mô hình trang trại vệ tinh sẽ trở thành xu hướng phát triển tất yếu trong chăn nuôi, trồng trọt tại Việt Nam. Là động lực chính thúc đẩy liên kết giữa DN và nhà nông Việt Nam trong tương lai, để phát triển sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn của người dân.