Ngành ô tô vẫn loay hoay với nội địa hóa
Ngành ô tô Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư? | |
Bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ ngành ô tô | |
Những thách thức lớn cho ngành ô tô |
Triển lãm ôtô Việt Nam (VMS) 2019 giới thiệu tới khách hàng những mẫu ô tô ấn tượng nhất đến từ 15 thương hiệu xe danh tiếng diễn ra mới đây tiếp tục bị đánh giá còn nặng yếu tố thương mại. Các mẫu xe mới lần đầu tiên xuất hiện, xe concept, công nghệ mới thể hiện tầm nhìn của các hãng sản xuất về xu hướng tiêu dùng tương lai còn khá mờ nhạt.
Các nhà nhập khẩu cùng nhau mang đến hơn 100 mẫu xe để khách hàng trải nghiệm các công nghệ và mẫu xe mới lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, quan trọng hơn, đó còn là sự bắt tay với các doanh nghiệp có tên tuổi trong nước để đưa ra các chương trình ưu đãi dịch vụ cũng như hỗ trợ tài chính cho người mua xe nhằm chạy đua doanh số cuối năm.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2019, cả nước đã nhập khẩu hơn 109 nghìn xe ô tô nguyên chiếc các loại, với kim ngạch 2,4 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2018, ô tô nhập khẩu tăng tới 267% về lượng và 257% về giá trị. Đáng chú ý, xe con dưới 9 chỗ dẫn đầu về lượng nhập khẩu, với khoảng 75.848 xe, trị giá 1,459 tỷ USD. Số liệu này cho thấy sự chênh lệch giữa số lượng xe hơi lắp ráp và xe hơi nhập khẩu đang ngày càng được thu hẹp. Như vậy đang có sự chuyển hướng trong nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, trong 9 tháng đầu 2019 đã có gần 300 nghìn xe các loại được các thành viên hiệp hội bán ra, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này chưa tính đến lượng xe nhập khẩu của các thương hiệu cao cấp thuộc Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng Việt Nam (VIVA) cũng như nhiều dòng xe khác không công bố doanh số.
Hiện tại, cả nước có 358 DN thuộc ngành này, trong đó có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, theo VAMA. Điều đáng bàn là thực tế, số lượng xe lắp ráp tăng thấp khiến Việt Nam phải nhập khẩu xe từ nước ngoài với số lượng không hề nhỏ. Trong khi đó, các động thái về việc giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN đang tạo áp lực lớn khiến ngành ô tô nước nhà đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với xe từ các nước trong khu vực.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phân tích, nền tảng của các doanh nghiệp sản xuất còn thấp cũng là một trong những nguyên nhân làm nền công nghiệp ô tô không ứng phó được với cạnh tranh về giảm thuế. Điển hình là tỷ lệ về nội địa hóa. Sau gần 20 năm phát triển ngành công nghiệp ôtô, đến nay phân khúc xe khách, xe tải cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra, là 20% và 45% theo từng loại xe. Riêng với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi thì tỷ lệ nội địa hóa mới đạt bình quân 7-10%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra. Sản phẩm nội địa hóa cũng mang hàm lượng công nghiệp thấp, như săm, lốp, ghế ngồi, gương kính, ắcquy… Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt tới 70%, thậm chí Thái Lan tới 80%. Đồng nghĩa, giá thành xe lắp ráp sản xuất trong nước cao hơn từ 20 - 30% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Chính sách (VAMA) cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh trực tiếp trong sản xuất, tiêu thụ xe với các nước trong khu vực. Dù được đánh giá là thị trường tiềm năng ngang ngửa với Thái Lan, nhưng Việt Nam lại có quá nhiều bất lợi trong sản xuất xe ô tô, khiến giá xe sản xuất, lắp ráp trong nước cao hơn so với xe nhập khẩu khá nhiều.
Đơn cử, một nắp bình xăng do nhà sản xuất trong nước chào hàng có giá 3,8 USD, trong khi chi tiết này được nhập khẩu chỉ có giá 1,5 USD. Hay Việt Nam thiếu ngành công nghiệp nguyên vật liệu sản xuất thép, nhựa cao cấp phục vụ cho công nghiệp ô tô, buộc phải nhập khẩu với chi phí logistic rất cao.
Xe nhập từ Thái Lan cộng thêm 5% chi phí vận chuyển về Việt Nam vẫn rẻ hơn xe sản xuất trong nước 10-20%, đó là trong trường hợp chất lượng sản phẩm tương đương, còn chưa kể chất lượng cao hơn nhưng nhập về thì chi phí xe nhập cũng vẫn rẻ hơn xe sản xuất trong nước, ông Hiếu dẫn chứng.
Công nghiệp ô tô của Việt Nam đang đi sau Thái Lan, Indonesia khoảng 20 năm. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích đột phá, hỗ trợ cụ thể và thiết thực hơn. Cần tập trung tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế, xem xét sửa đổi, bổ sung các luật về thuế như thuế VAT, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng điều chỉnh phương thức khấu trừ thuế VAT đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất; thuế xuất nhập khẩu phụ tùng, linh kiện..., ông Nguyễn Trung Hiếu đề nghị.