Ngành ô tô Việt và những lợi thế vô hình
Ảnh minh họa |
Trong đó, đối với nhóm phân phối xe nhập khẩu, hiện nay, ba quốc gia có số lượng xe xuất khẩu ô tô nguyên chiếc lớn nhất vào thị trường Việt Nam theo thứ tự lần lượt là các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan (tính đến tháng 6/2015).
Chỉ tính riêng thị phần Thái Lan, nước này chiếm 19% cơ cấu số lượng xe nhập khẩu và 12% tổng giá trị nhập khẩu. Phần lớn các xe nhập khẩu sang Việt Nam từ thị trường này là các xe bán tải của các thương hiệu lớn như Ford, Mitsubishi, Chevrolet, Nissan…
Với mức giảm trên dưới 0,5% thì một trong những doanh nghiệp phân phối dòng xe bán tải như CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SVC) đang được hưởng lợi nhẹ. Điều này được thể hiện qua KQKD quý III của SVC với doanh thu và LNST lần lượt là 2721,54 tỷ đồng (+35% so với cùng kỳ) và 31,4 tỷ đồng (+125% so với cùng kỳ).
Trong một trường hợp tương tự, khi Trung Quốc phá giá đồng NDT, tác động của tỷ giá đến CTCP Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) chuyên nhập khẩu xe tải nặng Dongfeng từ Trung Quốc là rất lớn. Một cách tương đối, biến động này đã giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của DN này ở mức 0,3%. Về dài hạn, việc điều chỉnh tỷ giá ước tính sẽ được DN này phản ánh và điều chỉnh trên giá bán xe cho người tiêu dùng.
Chưa kể, với “sự co giãn” nhất định giữa giá bán và doanh số, mức giá rẻ hơn sẽ kích thích tiêu dùng các dòng xe nhập từ quốc gia này. Thế nên, người ta đang ước tính, doanh thu và LNST 2015 của HHS lần lượt là 4.636 tỷ đồng và 590,9 tỷ đồng.
Đối với nhóm phân phối xe lắp ráp trong nước, hơn 90% linh kiện phụ tùng dùng để lắp ráp ô tô trong nước hiện nay đều là linh kiện nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Do vậy, thời gian qua, giá Baht (Thái Lan) giảm kèm với đà giảm của NDT (Trung Quốc), nhìn chung cũng có ảnh hưởng tích cực đến giá thành sản phẩm lắp ráp.
Cụ thể, Thaco hiện là một trong những công ty ô tô phát triển hàng đầu tại Việt Nam và là công ty duy nhất tại Việt Nam sản xuất, lắp ráp đầy đủ 3 dòng xe: xe du lịch, xe tải và xe bus với tỉ lệ nội địa hóa từ 16% - 46%, trở thành nhà sản xuất ô tô có doanh số xe bán ra cao nhất tại thị trường trong nước, thị phần chiếm khoảng 35 - 40%/năm và tự tin hội nhập khu vực và quốc tế sau năm 2018.
Năm 2015, để tiếp tục giữ vững vị thế đứng đầu, Thaco đã đề ra kế hoạch kinh doanh là 78.834 xe, chiếm 42% thị phần VAMA, tăng 86% so với năm 2014. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2015, Thaco đã đạt doanh số 55.178 xe, chiếm 38,1% thị phần VAMA, dẫn đầu doanh số 9 tháng đầu năm 2015 trong VAMA.
Doanh số bán hàng xe thương mại Thaco 9 tháng đạt 27.665 xe, tăng 87% so với cùng kỳ 2014. Xe du lịch đạt hơn 27.500 xe (13.782 xe Kia, 13.376 xe Mazda, 355 xe Peugeot), tăng 97% so với cùng kỳ và vượt doanh số của cả năm 2014. Hệ thống phân phối xe du lịch của Thaco đến năm 2015 đạt 51 showroom và 14 đại lý (21 showroom Kia, 21 showroom Mazda, 9 showroom Peugeot).
Có thể hiện nay, do một sản phẩm lắp ráp được cấu thành từ nhiều linh kiện phụ tùng nên có thể chưa biết được chính xác biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, con số lợi nhuận chung về tăng trưởng mà Thaco đạt được phải có sự đóng góp lớn ở mặt tỷ giá.
Theo một số nhà phân tích, các DN trong ngành ô tô sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới, bởi ước tính, đồng Bath có khả năng vẫn giảm vì những vụ nổ bom nghiêm trọng tại nước này chưa thể kiểm soát. Điều này làm gia tăng quan ngại về tình hình kinh tế Thái Lan khi chính trị nước này vốn đã chìm trong căng thẳng kéo dài.
Bên cạnh đó, câu chuyện điều chỉnh tỷ giá đối với đồng NDT của PBOC cùng với khả năng FED có thể tăng lãi suất vào cuối năm nay vẫn còn là ẩn số. Nếu xu thế này vẫn kéo dài, lợi suất mà các DN ngành bán lẻ ô tô trong nước nhận được là rất lớn.