Ngành tài chính Việt trước cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh với EVFTA
Sáng nay tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tổ chức Hội thảo "Ngành Tài chính - Viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ EVFTA".
Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang và đại diện một số bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp. Hội thảo được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm được các quy định và cam kết EVFTA trong lĩnh vực tài chính, viễn thông.
Tại hội thảo, nhận định về tác động từ hiệp định EVFTA đối với ngành tài chính Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng các dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) là nhóm dịch vụ nhạy cảm. Đây là nhóm dịch vụ gắn liền với sự ổn định của nền tài chính và kinh tế quốc dân, tác động trực tiếp và tức thời tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế khác. Vì vậy, mức độ mở cửa của nhóm ngành này là rất dè dặt.
Tuy nhiên, do “ EU là đối tác có thế mạnh về các dịch vụ tài chính trên thế giới nên EVFTA được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai của các dịch vụ tài chính cũng như cả nền kinh tế Việt Nam” ông Phòng nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ, hiệp định EVFTA về trực tiếp sẽ không có tác động quá lớn về đầu tư nước ngoài bởi ngành Tài chính sẽ chỉ mở thêm duy nhất dịch vụ nhượng tái bảo hiểm còn về mức cam kết sẽ không có gì thay đổi.
Trong khi đó, tác động gián tiếp mà EVFTA đem đến cho ngành tài chính Việt Nam là gia tăng nhu cầu dịch vụ tài chính theo sự tăng trưởng của hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, dự kiến về tăng trưởng của hoạt động thương mại đầu tư giữa Việt Nam và EU cũng sẽ tạo ra thị trường hấp dẫn tại EU cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính Việt Nam.
Đặc biệt, theo bà Trang, hiệp định EVFTA cũng sẽ đem đến cơ hội lớn về hợp tác với các đối tác EU, cải thiện chuyên môn, công nghệ, năng lực quản trị và cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt. Dịch vụ tài chính được coi là một trong những ngành dịch vụ có thế mạnh đặc biệt của các nước EU do đây là một trung tâm tài chính lớn của thế giới với kinh nghiệm hoạt động lâu đời.
Ngoài những cơ hội mà hiệp định EVFTA đem lại cho ngành tài chính, Giám đốc trung tâm WTO và hội nhập cũng nêu lên những thách thức chủ yếu mà ngành tài chính phải đối diện. Cụ thể là áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài trên thị trường Việt Nam sẽ ngày càng lớn. Theo đó, việc Việt Nam mở cửa mạnh nền kinh tế theo các FTA khiến thương mại đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu sẽ diễn ra sôi động. Từ đó, tạo ra thị trường hấp dẫn thu hút sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài tại Việt Nam, gây sức ép cạnh tranh mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp nội.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ trong các dịch vụ tài chính cũng đang đặt ra thách thức trong việc bảo mật thông tin trong các giao dịch tài chính. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhất là cạnh tranh thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ, thách thức này còn lớn hơn nữa. Với các doanh nghiệp Việt có trình độ công nghệ không quá mạnh, nguồn lực đầu tư cho vấn đề này lại không thể lớn bằng các đối thủ nước ngoài, thách thức trên không dễ vượt qua.
“Đây là những thách thức trực diện nhưng đồng thời cũng có thể là sức ép hợp lý để ngành và doanh nghiệp tài chính Việt Nam cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh”, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) nhấn mạnh.