Ngành thủy sản định vị lại thị trường nội địa
Vốn ngân hàng và sự hồi sinh của biển | |
Nhiều dư địa cho thị trường thủy sản nội địa |
Đại diện CTCP Saigon Food (Saigon Food) chia sẻ, chiến lược phát triển kinh doanh của công ty là bên cạnh hoạt động xuất khẩu, thời gian tới sẽ chú trọng đẩy mạnh, phát triển thị trường nội địa. Mục tiêu đến năm 2020, Saigon Food nâng tỷ lệ tiêu thụ nội địa lên ngang bằng xuất khẩu (50%-50%), thay vì 20%-80% như hiện nay. Để hiện thực hóa kế hoạch này, vừa qua công ty đã đầu tư thêm vào 10.000 m2 nhà xưởng, tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc - huyện Bình Chánh.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến thủy sản cho biết cũng đang có kế hoạch định vị lại thị trường nội địa. Không chỉ có kế hoạch nâng công suất, mở rộng nhà máy, một số DN còn phát triển những dòng sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng.
Điển hình như CTCP Agrex Sài Gòn không chỉ được biết đến với những dòng sản phẩm cao cấp, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu, công ty này còn có những sản phẩm đã qua chế biến chuyên bán vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.
Hay như trường hợp của CTCP XNK An Giang, nếu như trước đây trong tổng doanh thu của công ty chỉ có khoảng 5% đến từ tiêu thụ nội địa, còn lại 95% là để xuất khẩu thì hiện nay DN này đã có định hướng phát triển thị trường trong nước, bởi nhận thấy tiềm năng to lớn của tiêu dùng nội địa tại một đất nước hơn 90 triệu dân như Việt Nam vẫn còn đang bị bỏ ngỏ, chưa được khai thác hiệu quả.
Một phó tổng giám đốc của DN chuyên xuất khẩu cá tra sang thị trường Nhật, Mỹ, châu Âu cho rằng, thực tế các DN xuất khẩu có nhiều lợi thế để quay trở lại bán hàng trong nước, nhất là đối với yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, cách thức tiếp cận thị trường... Tuy nhiên, các DN này đang gặp phải trở ngại từ các đối thủ ngoại cạnh tranh trên sân nhà.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, khi càng hội nhập, các DN Việt Nam sẽ càng gặp khó khăn hơn khi cạnh tranh với các DN nước ngoài tại chính thị trường trong nước. Các DN nước ngoài đã nhanh chân tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và nguồn nhân công rẻ của Việt Nam cùng với ưu thế về quy mô, công nghệ, tài chính để đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Vì vậy, để thúc đẩy phát triển thị trường thủy sản nội địa, bà Chi cho rằng, DN cần liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo lòng tin với người tiêu dùng trong nước, gia tăng giá trị đối với sản phẩm…
Số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, 9 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,4 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu đi 164 nước, nhất là các sản phẩm chế biến tinh, chế biến sâu đã hiện hữu ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Song, bên cạnh việc phát triển xuất khẩu, nhiều DN trong nước cũng đã chú trọng phát triển thị trường nội địa. Giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy sản nội địa lên đến hơn 22 nghìn tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), đây là con số không nhỏ. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị cao hơn tăng trưởng bình quân về sản lượng, điều này cho thấy chất lượng sản phẩm cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm càng ngày càng được cải thiện.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, tiêu thụ nội địa còn rất nhiều tiềm năng khi người tiêu dùng trong nước ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thủy sản. Cùng với đó, là hơn 13 triệu lượt khách du lịch hàng năm.
Theo số liệu của FAO, mức tiêu thụ thủy sản bình quân của người Việt Nam năm 2017 đạt 31-32 kg/người/năm và sẽ tăng lên mức 44 kg/người/năm vào năm 2020. Đây là cơ hội rộng mở cho các DN thủy sản của Việt Nam nắm bắt và phát triển thị trường.