Thách thức vẫn hiện hữu
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 9 tỷ USD trong quý đầu năm | |
Hoa Kỳ chấp thuận hồ sơ kiểm soát cá da trơn Việt Nam | |
Khi chợ thủy sản thành điểm du lịch |
Theo đánh giá của Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thời gian qua có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Trong năm 2017, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt kim ngạch trên 8,3 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2016 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 3 năm 2018 ước đạt 604 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đang gặp khó |
Thời gian qua, thị trường nguyên liệu thủy sản như tôm, cá tra diễn biến khá thuận lợi với nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng. Cụ thể, thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 3/2018 tiếp tục nóng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, giá thiết lập mức đỉnh mới, trung bình dao động ở mức 28 – 30 nghìn đồng/kg, có nơi giá được đẩy lên đến 31 – 32 nghìn đồng/kg. Thị trường tôm trong tháng 3/2018 cũng tiếp tục xu hướng tăng giá. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú oxy loại 20-40 con/kg tăng thêm khoảng 10 – 25 nghìn đồng/ kg so với tháng trước...
Với việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định song phương và đa phương đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho ngành thủy sản. Hiện nay, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018, chiếm tới 50,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hà Lan (49,7%); Thái Lan (35,3%); Trung Quốc (34,9%); Hàn Quốc (29,2%); Đức, Hồng Kông, Anh và Canada (tăng hơn 20%).
Tuy có những lợi thế khi nền kinh tế hội nhập nhưng xuất khẩu ngành thủy sản vẫn đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là tại thị trường Mỹ khi nước này áp mức thuế chống bán giá cao hơn và tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt hơn.
Theo VASEP, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đã giảm mạnh trong năm 2017 sau khi Mỹ áp mức thuế chống bán giá cao hơn và tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt hơn. Ngày 12/9/2017, Bộ Thương mại Mỹ quyết định tăng thuế chống bán phá giá phi lê cá tra đông lạnh của Việt Nam lên 2,39 USD/kg trong lần xem xét hành chính gần đây nhất của thuế chống bán phá giá, gấp ba lần mức thuế trước đó.
Năm 2017, thị trường Mỹ tụt xuống vị trí thứ 4, chiếm chỉ 17% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam. Năm 2017, Mỹ tuột mất vị trí dẫn đầu vì thuế chống bán phá giá trong POR11 tăng cao. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong thời gian tới được đánh giá sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ngày 8/3/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ 1/2/2016-31/1/2017). Mức thuế lần này quá cao so với những lần công bố trước đó. VASEP và các DN đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra là phi lý. Trong tháng 3/2018, Mỹ không chỉ áp thuế chống bán phá giá cá tra mà với cả tôm, hai sự việc diễn ra cách nhau có mấy ngày. Theo đó Tổng cục sẽ phối hợp cùng VASEP, với các DN xuất khẩu và các bên liên quan để kháng kiện phán xét này.
Có thể thấy, dù gặp khó khăn nhưng đà tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu mang lại nhiều tín hiệu khả quan. Mặc dù, xuất khẩu sang EU vẫn giảm mạnh và xuất khẩu sang Mỹ gặp khó vì chương trình thanh tra cá da trơn và áp lực thuế chống bán phá giá cao nhưng, xuất khẩu sang các thị trường khác tăng mạnh.
Điển hình, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 42% và thị trường này đã vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra trong tháng 3 ước đạt 165 triệu USD, tăng 16%. Tổng xuất khẩu cá tra 3 tháng đầu năm ước đạt gần 430 triệu USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Sản lượng và giá cá tra tăng là nguyên nhân khiến xuất khẩu cá tra duy trì tăng trưởng ổn định trong những tháng đầu năm.
Tại thị trường Mỹ, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường này trong tháng đầu tiên của năm 2018 tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Hai tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 75 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017. Mỹ đã vươn lên vị trí thứ 2 sau EU về nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các DN Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu nếu tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do với EU (dự kiến hiệu lực từ tháng 6/2018) và với Hàn Quốc, đồng thời mở rộng và chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác.
Theo các chuyên gia, ngành thủy sản không chỉ gặp khó khăn về chính sách của Mỹ, mà còn đang phải đối mặt với “thẻ vàng” của EC áp dụng đối với thủy sản Việt Nam. Ông Hà Công Tuấn cho rằng, Việt Nam cần phải vào cuộc khắc phục các khuyến nghị mà EC đưa ra. Từng bước chủ động xây dựng nghề cá nhân dân theo hướng phát triển bền vững, có trách nhiệm và tuân thủ các quy định quốc tế. Phối hợp với các địa phương hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy suất nguồn gốc thủy sản qua đó sớm giải quyết vấn đề “thẻ vàng” của EC.
Theo VASEP, trong tháng 3/2018 xuất khẩu thủy sản ước tăng 16% đạt 279 triệu USD, tổng xuất khẩu thủy sản 3 tháng đạt trên 719 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm chân trắng đạt 506 triệu USD, tăng 29% và chiếm 70%, tôm sú giảm gần 16% đạt 142 triệu USD. |