Nghề thêu trước nguy cơ giải thể
Mai một một làng nghề | |
Vốn ngân hàng giữ làng nghề truyền thống |
Ảnh minh họa |
Thêu Thuận Lộc với vải hòa sắc tinh tế và sự nhạy cảm cái đẹp, tạo nên những chim thú, hoa, lá, sông nước... hiện ra như bức tranh màu đẹp. Các đường ren ổn định như đã dồn hình vào vị trí thỏa đáng nhất, để rồi trong đó các mảng màu phát huy tác dụng, cuốn hút người tiêu dùng.
Mỗi sản phẩm thêu là một tác phẩm mỹ nghệ. Qua bàn tay khéo léo, tỉ mẩn, các nghệ nhân đã truyền cảm xúc của tâm hồn vào từng đường kim mũi chỉ, vẫn màu sắc có sẵn mà sống động, từng hình cứ rung rung như mang theo hơi thở cuộc đời.
Chuyện kể, vào giữa năm 2007, HTX thêu Thuận Lộc được một khách hàng Pháp thông qua một doanh nghiệp trong nước chọn đặt làm một món hàng đặc biệt. Đó là bức tranh thêu chân dung cựu Tổng thống Pháp F.Mitterand. Bức tranh cỡ 110 x 140 cm, được 6 thợ thêu của HTX tập trung thêu trong 2 tháng với kỹ thuật thêu dấu nhân.
Tác phẩm đã làm hài lòng khách hàng và được mang đến trưng bày tại một bảo tàng của Pháp. Các sản phẩm thêu Thuận Lộc đã tham gia các kỳ Festival nghề truyền thống Huế và được đánh giá cao về chất lượng. Đó như một lời khẳng định thương hiệu và tài năng của những người thợ thêu Thuận Lộc.
Đã từng vang bóng là vậy, thế nhưng ghé Thuận Lộc hôm nay, không gian yên ắng đến lạ thường, hình ảnh tấp nập, rộn ràng trước kia đã không còn nữa. Thay vào đó là những ngôi nhà cũ liền kề, nằm nép mình bên đường. Gặp gỡ những người gắn bó với nghề thêu từ những buổi đầu, không khỏi xót xa khi lắng nghe những trăn trở, tâm sự của họ về sự mai một của làng nghề.
“Những người muôn năm cũ” yêu và sống với nghề bằng cả sự đam mê, nhiệt huyết, luôn muốn truyền nghề cho lớp trẻ. Nhưng thế hệ bây giờ không còn mấy mặn mà với cái nghề “đã cũ lại khó hái ra tiền”, bởi sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ, thu nhập bấp bênh. Thợ thêu phải giải nghệ kiếm kế mưu sinh khác, thậm chí nhiều người bỏ xứ đến các tỉnh phía Nam tìm việc làm. HTX Thuận Lộc từ đó cũng chỉ hoạt động cầm chừng.
Tìm đầu ra cho sản phẩm thêu nhằm giúp thợ thêu có thu nhập ổn định, góp phần giữ gìn nghề thêu truyền thống đã là một bài toán khó. Bài toán đó càng nan giải hơn khi cơ sở vật chất xuống cấp không đảm bảo cho việc bảo quản vải cũng như tranh thêu. Lớp trẻ cũng ít đam mê với nghề thêu…
Rời làng thêu Thuận Lộc mà trong lòng không khỏi tiếc nuối về nghề thêu đang dần bị mai một và đứng trước nguy cơ bị giải thể. Thiết nghĩ, để duy trì và phát triển làng nghề thêu Thuận Lộc, bên cạnh ý thức giữ gìn truyền thống của dân làng nghề còn cần có sự quan tâm đúng mực của các ngành chức năng.
Như vậy sẽ giúp làng nghề đứng vững và phát triển trong giai đoạn hiện nay đồng thời tạo ra những điểm nhấn đặc sắc về văn hóa cho địa phương. Để từ đó, nghệ nhân thêu không còn trăn trở về sự mai một của làng nghề mà dốc tâm sức vào gây dựng lại nghề truyền thống và truyền nghề lại cho thế hệ trẻ.