Vốn ngân hàng giữ làng nghề truyền thống
Tuyên Quang: Vốn ngân hàng hỗ trợ vùng cam | |
Vốn ngân hàng nâng đỡ miền Tây | |
Vốn ngân hàng góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế Hòa Bình |
Ở xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, nhiều làng nghề tơ lụa truyền thống vẫn lặng lẽ hoạt động, như không hề biết cuộc cạnh tranh ngoài kia đang ngày càng quyết liệt khi các nhà máy dệt nhuộm công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới thi nhau đổ bộ vào Việt Nam. Qua các mái đình, chùa cổ, chạy ven con kênh quanh năm xanh mát, về các thôn Hoà Lạc, Cổ Chất và Cự Trữ thấy sức sống bền bỉ của làng nghề tơ lụa nơi đây, nhờ đồng vốn từ Agribank đã và đang phát triển như thế nào.
Ngân hàng tiếp sức
Giống như nhiều hộ ở thôn Hoà Lạc, gia đình ông Phạm Minh Tầm, 65 tuổi đã trải qua 3 đời làm nghề ươm tơ. Kết thúc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, ông Tầm trở về quê hương tiếp nối công việc truyền thống của cha ông để lại cho tới nay.
Cùng là giữ nghề truyền thống, nhưng phát triển lên ở quy mô lớn như hộ của ông Tầm thì ở thôn này không có nhiều. Cũng nhờ chịu khó làm lụng và được hỗ trợ vốn từ ngân hàng hơn 20 năm qua, ông Tầm đã mạnh dạn “bung ra”, mở rộng quy mô sản xuất dần.
Vốn ngân hàng đang tiếp sức làng nghề phát triển |
“Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, có tận mắt chứng kiến mới thấy công việc của người ươm tơ quả là không được ngơi nghỉ phút nào. Ông Tầm cho biết, phải lặn lội vào tận huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) mới tìm mua được trứng tằm giống, đem về ấp nở và nuôi. Sau khi đạp vỏ trứng chui ra, tằm con trải qua 4 giấc ngủ, rồi đến giai đoạn ăn liên tục 3 ngày đêm, ngủ 1 ngày đêm. Tới giai đoạn ăn rỗi, tằm lại ăn liên tục trong khoảng 6 - 7 ngày rồi bắt đầu nhả tơ đóng kén.
Sau khi thu hoạch kén, tới công đoạn ươm, se tơ. Ngày trước máy móc còn thô sơ, người thợ phải quay guồng bằng tay, rút bằng đũi, trung bình mỗi ngày một thợ lành nghề chỉ ươm được 1 kg tơ. Nhưng tới nay, nhờ mạnh dạn đầu tư vay vốn, cải tiến công nghệ, máy móc tự động vận hành đã nâng năng suất lao động lên gấp 4 - 5 lần.
Tuy nhiên, để bám trụ với nghề truyền thống suốt gần 40 năm quả là không dễ dàng. Ông Tầm nhớ lại, trước đây ông đã nhiều lần trăn trở: nếu cứ làm ăn nhỏ lẻ mãi thì khó mà giàu lên được.
Nghĩ là làm, ông mạnh dạn đặt quan hệ vay vốn với Agribank. Từ những món vay đầu tiên chỉ 5-10 triệu đồng, dựa vào đó đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, tới nay dư nợ của hộ đã lên tới 300 triệu đồng. Số lò ươm tơ cũng tăng dần từ 2 lên 8 lò. Để vận hành hết công suất của xưởng, ông Tầm thuê thêm khoảng 50 lao động địa phương cùng làm. Tới nay sản lượng mỗi ngày của xưởng sản xuất này đạt khoảng 4 tạ kén, 80 kg tơ.
Là dân ngoại đạo, chúng tôi tò mò không hiểu hiệu quả kinh tế của mô hình này như thế nào. Ông Tầm cười nói: “Tính sơ sơ mỗi tháng tôi xuất sang Lào, Thái Lan khoảng 2 tấn tơ, giá mỗi kg tơ khoảng 700.000 đồng, mỗi vụ thu về cỡ 3 tỷ đồng, lãi hơn làm lúa nhiều!”.
Trăn trở tìm hướng đi bền vững
Chị Phạm Thị Thanh Huyền, cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh huyện Trực Ninh chia sẻ, riêng 3 khu làng nghề Hòa Lạc, Cự Trữ và Cổ Chất hiện đang có khoảng 200 cơ sở ươm tơ, se tơ, dệt vải vay vốn từ Agribank với dư nợ khoảng 26 tỷ đồng. Hầu hết các hộ trong số này đều là duy trì nghề truyền thống của địa phương qua mấy đời nay. Tuy nhiên, những hộ bứt hẳn lên, làm ăn lớn và mở rộng quy mô đều là nhờ có sự tiếp sức từ đồng vốn ngân hàng.
Như ở thôn Cổ Chất, gia đình anh Phạm Văn Tỉnh đã mạnh dạn vay 400 triệu đồng để nâng cấp dây chuyền công nghệ se sợi hiện đại theo tiêu chuẩn Hàn Quốc với tổng giá trị 800 triệu đồng. Ngày trước, xưởng se sợi với thiết bị lỗi thời của anh tiêu hao rất nhiều công lao động, song mỗi ngày cũng chỉ se được khoảng 25 kg sợi, chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào tay nghề của thợ.
Nhưng từ khi đưa giàn máy của Hàn Quốc vào hoạt động, mỗi ngày xưởng cho ra lò tới 80 kg sợi. Đặc biệt, chất lượng sợi cải thiện, mềm, óng ả và mượt mà chứ không thô ráp như làm thủ công. Hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm của gia đình anh Tỉnh chủ yếu là xuất sang Lào, Campuchia…
Gia đình anh Vũ Ngọc Sáu, thôn Cự Trữ, cũng phát triển từ nghề truyền thống của địa phương, cùng với tiếp thu và ứng dụng công nghệ rồi bung ra mở xưởng dệt vải, sản phẩm xuất sang tận thị trường Nhật Bản.
Anh Sáu nguyên là công nhân của Công ty CP May Sông Hồng. Sau khi học được kỹ thuật dệt vải chất lượng cao từ công ty, thấy lợi nhuận tốt lại sẵn có thị trường triển vọng, anh quyết định vay Agribank 500 triệu đồng, kết hợp với nguồn vốn sẵn có của gia đình để xây dựng nhà xưởng, nhập 4 máy dệt vải và nguyên liệu sợi để dệt khăn thô cung cấp cho nhà máy tẩy, nhuộm vải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Hiện nay, mỗi tháng cơ sở dệt của anh Sáu tiêu thụ hết 10 tấn sợi nguyên liệu và sản xuất theo đơn đặt hàng của các DN chuyên bao tiêu sản phẩm dệt. Chưa dừng lại ở quy mô hiện tại, anh Sáu tính toán, thời điểm này lãi suất ngân hàng đang khá hấp dẫn, nên anh tính sẽ vay thêm vài tỷ đồng để mở rộng quy mô.
Sau một cuộc hành trình ngắn qua ba hộ sản xuất ở ba thôn, chúng tôi cảm thấy còn nhiều băn khoăn. Bởi tuy nằm “sát vách” nhau, mỗi hộ sản xuất làm một công đoạn trong chuỗi ươm tơ – se sợi – dệt vải, song họ lại không sử dụng sản phẩm của nhau, mà chủ yếu là nhập từ thị trường bên ngoài, tạo ra thành phẩm.
Điều này có vẻ không phù hợp trong bối cảnh hội nhập, với xu hướng sản xuất theo chuỗi để giảm bớt chi phí, xây dựng được thương hiệu riêng. Và như vậy, sự tồn tại của làng nghề liệu có quá mong manh khi phải cạnh tranh trực tiếp với hàng loạt nhà máy dệt may hiện đại trên chính quê hương Nam Định?
Chia sẻ điều này với ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Nam Định, chúng tôi nhận được sự đồng tình. Ông Tuấn cho biết, Nam Định là quê hương của nghề dệt với nhiều thương hiệu làng nghề nổi tiếng. Tới nay ngành dệt may của tỉnh cũng khá phát triển, nhưng chủ yếu các làng nghề, nhà máy vẫn làm gia công, nên thu nhập của công nhân chưa cao.
Vị phó giám đốc ngân hàng này tính toán, các hộ ở làng nghề, mỗi nhân công có mức thu nhập khoảng 3-3,5 triệu đồng/tháng, vẫn khá thấp so với các nhà máy dệt may hiện đại. Vì vậy, làng nghề hiện nay đang giải quyết công ăn việc làm là chính, còn nói đến giàu có, dư dả thì vẫn là câu chuyện của tương lai!
Với hướng đi như hiện nay, thì sự tồn tại của làng nghề cũng còn nhiều bấp bênh khi mỗi hộ chỉ tập trung vào một khâu trong chuỗi sản phẩm dệt may, mà chưa tạo ra thành phẩm hoàn chỉnh, chưa có thương hiệu.
Thế nên cả người dân và ngân hàng đều mong mỏi chính sách phát triển làng nghề có bước đột phá để các hộ liên kết lại, tạo ra sản phẩm thủ công truyền thống chất lượng cao. Có như vậy mới đủ sức cạnh tranh với sản phẩm công nghệ hiện đại. Và có như vậy, đồng vốn ngân hàng mới thực sự sinh lời hiệu quả, bền vững.