Nghệ thuật chữ tre
Làng bún Phú Đô | |
Bâng khuâng nghề thêu truyền thống | |
Du lịch làng nghề: Biến tiềm năng thành hiện thực |
Nghệ thuật chữ tre là sáng tạo mới, độc đáo của những nghệ nhân làng mộc Kim Bồng của Hội An. Cùng với sản phẩm lồng đèn, cái thú chơi chữ tre và bán chữ tre là nét đẹp văn hoá làm phong phú thêm chủng loại hàng mỹ nghệ và hút hồn du khách đến với phố cổ.
Đối với mỗi người Việt. Cây tre là người bạn vô cùng thân quen gần gũi. Những sản phẩm từ tre hiện diện khắp nơi trong sinh hoạt đời thường. Từ chiếc nôi nằm thuở mới lọt lòng với lời ru êm ái của bà, của mẹ. Đôi đũa cầm tay ăn cơm hàng ngày. Chiếc chõng tre bên chái hiên nhà trong những ngày hè hay đêm trăng sáng... cho đến sở hữu nguyên cả một mái ấm bằng tre. Có ai một lần trong đời không “đụng” đến tre. Trong đời sống hiện đại nơi đô hội, tre lại càng có giá trị hơn, bởi giá trị sử dụng và yếu tố trang trí mỹ thuật của nó.
Ảnh minh họa |
Những tác phẩm nghệ thuật bằng tre tưởng chừng như đơn giản, mộc mạc nhưng sức cuốn hút rất lạ lùng. Hồn tre như có quyền lực siêu nhiên, bắt người ta phải dừng chân chiêm ngưỡng. Du khách đến Hội An, khi đi ngang qua những cửa hàng chữ tre trên các phố Trần Phú, Phan Bội Châu, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học... không thể không ghé vào xem thử...
Bắt đầu là sự tò mò, sau đấy là cả một sự ngạc nhiên, thích thú. Những con chữ trên những khúc tre, lóng tre như ẩn chứa một thứ năng lượng vô hình khiến người xem tìm cách khám phá vẻ đẹp ẩn chứa bên trong nó. Có thể nói sự xuất hiện chữ tre bắt nguồn từ thú chơi giản dị mà thanh cao, phù hợp với nếp sống người Á Đông. Chữ nghĩa được chọn lọc khắc trên tre thường là chủ đề thuộc về luân thường, đạo lý truyền thống (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín; công, dung, ngôn, hạnh; trung, hiếu...) ở đời, những tâm nguyện, sở nguyện, những mong ước tốt lành cho bản thân, gia đình, thân bằng quyến thuộc... (phúc, đức, lộc, thọ, khang, tâm...) hoặc những câu đối hay, những áng thơ nổi tiếng xưa nay...
Chọn chữ hay ý đẹp đã đành, còn thể hiện trên tre sao cho có hồn, có thần; biến tre trúc vô tri có đời sống văn hoá, tâm linh với ngôn ngữ biểu cảm riêng biệt, thay mặt chủ nhân nói lên tính cách, ý muốn, nỗi niềm... Điều đó đòi hỏi nghệ nhân phải là người có hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật thư pháp.
Ngắm nhìn giàn chữ thảo với nét phóng khoáng, bay bướm xuất thần mỗi khi các nghệ nhân phóng bút mới thấy hết sự nhọc công khổ luyện của người cầm bút. Thường thì chữ được viết trên giấy dó, sau đó mới can vào tre để đục, khắc. Đó là chưa kể đến biết bao nhiêu công đoạn công phu khác trước đó. Từ khâu chọn tre, từng lóng, từng khúc tre già bóng mượt rồi cạo vỏ đến xử lý kỹ thuật ngâm, tẩm nhằm tạo ra những cốt tre tồn tại lâu bền với thời gian.
Dưới con mắt nhà nghề, các nghệ nhân “cho chữ” phù hợp với những loại cốt tre. Cũng như bất cứ ngành nghệ thuật nào, chữ tre đòi hỏi người nghệ sĩ ngoài tài năng, kỹ năng, kỹ xảo còn có cái tâm trong mỗi nỗ lực tìm kiếm, sáng tạo thì tác phẩm làm ra mới có sức sống, cuốn hút lòng người. Lặng lẽ quan sát những con người đang thả hồn bềnh bồng trên từng con chữ, du khách mới cảm nhận hết vẻ đẹp, trách nhiệm của người nghệ sĩ trước những đứa con tinh thần của mình.
Thư pháp trên tre là khúc biến tấu ẩn tình, đầy gợi cảm, là sự hoà âm, giao thoa đồng điệu giữa chủ và khách trong một cuộc chơi phong lãm. Mặt hàng mỹ nghệ này ngày càng có sức lan toả rộng lớn, phạm vi thể hiện đề tài không chỉ gói gọn trong những câu chữ thánh hiền. Khách có thể yêu cầu thực hiện theo ý muốn, có khi là cái tên của chính mình hoặc của bạn bè, người thân với mục đích làm quà tặng kỷ niệm nhân một chuyến đi chơi hoặc một biểu tượng nào đấy mang ý nghĩa chúc phúc, thọ, cầu tài lộc... Dù với hình thức nào chăng nữa, cái tâm cái tình của người chơi cũng thể hiện trọn vẹn một ước muốn thầm kín tốt đẹp đối với người mình yêu quý.