Nguồn lực nào phù hợp cho xử lý nợ xấu
Thủ tướng đặt ra ba giải pháp để xử lý nợ xấu thực chất | |
Khó nhất vẫn là thủ tục đấu giá nợ xấu | |
Đại biểu Quốc hội: Cần giải pháp hữu hiệu đối với xử lý nợ xấu | |
Tìm lối ra cho xử lý nợ xấu |
Ông Trần Du Lịch |
Trong Nghị quyết cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, Quốc hội quyết định vẫn sẽ bố trí nguồn lực Nhà nước phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu. Điều này có mâu thuẫn với việc Quốc hội đã chính thức xác định không dùng Ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu (XLNX) hệ thống NHTM?
TS Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, phải hiểu đúng bản chất của thông điệp trên. Cụ thể, thông điệp từ Nghị quyết về Kế hoạch Tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 là dứt khoát không bố trí chi phí dành cho XLNX vào kế hoạch ngân sách cân đối hàng năm. Còn lại vẫn có thể sử dụng các nguồn lực Nhà nước để dành cho vấn đề XLNX.
Theo ông thời gian tới, những nguồn lực nào phù hợp hỗ trợ các NHTM XLNX?
Tôi nghĩ rằng, hoàn toàn có thể dùng nguồn lực vốn thu được từ hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn của Nhà nước. Một nguồn nữa nên được cân nhắc là hiện cả nước có mấy chục quỹ của các bộ, ngành đang có nguồn vốn tạm thời chưa dùng đến. Ví dụ, quỹ bảo trì đường bộ, phòng chống thuốc lá…
Nhưng đây là vốn Nhà nước cho NH mượn chứ không phải là cho không. Nhà nước sẽ thu hồi lại vốn sau khi các NH xử lý xong nợ xấu. Ngoài ra, NHNN có thể sử dụng công cụ tiền tệ tạo ra nguồn lực hỗ trợ các NHTM như dự trữ bắt buộc, phát hành giấy tờ có giá… Nguồn lực cuối cùng, là tiếp tục phát hành các loại trái phiếu bổ sung vốn ngân sách như hiện nay đang làm.
Như vậy vốn là yếu tố quan trọng nhất để đẩy nhanh XLNX?
Tôi vẫn bảo lưu quan điểm là tại thời điểm này không có nguồn tiền nào có thể giải quyết số nợ xấu đang tồn đọng trong hệ thống NH hiện nay. Mà quyền quyết định số phận nợ xấu nằm trong tay “cơ chế”.
Đó là cơ chế cho thị trường mua bán nợ được vận hành thông suốt để VAMC cũng như các NHTM có thể bán đấu giá, giải phóng số tài sản đảm bảo thế chấp chủ yếu bằng BĐS... Cái đó mới quan trọng, vì nếu giải phóng được số tài sản trên, các NH có nguồn tiền tươi thóc thật tương đối lớn để XLNX. Đây mới là gốc vấn đề, chứ tiền ngân sách, hay vốn tự có của NH bao nhiêu cho vừa. Thời gian tới nhất định phải có biện pháp mạnh mẽ khai thông thị trường mua bán nợ nếu không quá trình XLNX càng khó khăn.
Ông đánh giá thế nào về khả năng nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tham gia XLNX?
Tôi nghĩ rất khó, vì XLNX giờ chủ yếu vướng mắc về chính sách đất đai, quyền sở hữu (BĐS). Mà tài sản đảm bảo của các khoản nợ chủ yếu là BĐS. Như bạn biết, xử lý tài sản thế chấp theo các quy định của pháp luật Việt Nam rất phức tạp. Đến người trong nước xử lý còn khó thì NĐTNN chắc chắn khó khăn gấp nhiều lần. Vì chính sách quản lý BĐS đối với người trong nước và nước ngoài khác nhau rất nhiều. Không cùng nền tảng, cơ chế thì chắc chắn mua bán không hề đơn giản chút nào.
Theo ông làm thế nào để NĐTNN có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống NH?
Tôi nghĩ vấn đề này có thể khả thi hơn thông qua hình thức NĐTNN mua lại cổ phần hoặc bổ sung vốn cho NH họ đang góp vốn. Muốn NĐTNN tham gia mạnh mẽ hơn vào tái cơ cấu NH thì phải xem xét nới room cho họ. Khi có quyền trong tay họ chủ động điều hành, kiểm soát được hoạt động NH theo định hướng của mình. Còn nếu không, khó có thể thu hút được NĐTNN tham gia tái cơ cấu. Nhất là đối với các NH yếu kém, các NĐTNN không dại gì đầu tư thêm vốn khi biết chắc khoản tiền đầu tư đó thua lỗ bởi sự yếu kém trong quản trị điều hành của đối tác.
Sự tham gia của NĐTNN là cần thiết, nhưng cũng phải xem xét từng trường hợp NH cụ thể và mục đích của NĐT, chứ không thể quy định chung cho mọi trường hợp. Giả sử với NHTM Nhà nước, thì có thể cho phép NĐTNN giữ tối đa là 35% còn Nhà nước nắm giữ 65%. Các NH yếu kém hơn thì room cho NĐTNN có thể là 100%...
Xin cảm ơn ông!