Nguồn lực trong dân đã bước đầu được chuyển hóa thành tiền
Vay VND lãi suất USD: Kênh lựa chọn tối ưu cho DN | |
Giảm lãi suất USD ít tác động đến thị trường chứng khoán |
Nhu cầu vàng miếng suy giảm
Về lãi suất huy động vàng và giải pháp huy động nguồn lực vàng trong dân, NHNN cho biết, trước đây, trong giai đoạn từ năm 2001-2008, các TCTD đã thực hiện huy động, cho vay vốn bằng vàng, trong điều kiện giá vàng tương đối ổn định, hệ thống TCTD đã huy động được nguồn vốn nhất định đóng góp cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, từ năm 2008-2011, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, giá vàng thế giới biến động tăng, giảm mạnh (có thời điểm tăng đến 300% so với năm 2008) khiến giá vàng trong nước cũng biến động mạnh theo gây rủi ro lớn cho cả TCTD và người đi vay. Việc TCTD huy động, cho vay vàng đã gây hệ lụy cho nền kinh tế, gia tăng nhu cầu nắm giữ vàng để đầu cơ, tích trữ và gửi tại các TCTD để hưởng lãi suất. Điều này càng làm trầm trọng hơn tình trạng vàng hóa, gây bất ổn thị trường vàng, cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn này.
Trước tình hình đó, từ năm 2011 đến năm 2013, thực hiện chủ trương ngăn chặn tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kinh tế vĩ mô, NHNN đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ để chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng; Theo đó các TCTD không được phép huy động vàng, chỉ được thực hiện hoạt động bảo quản tài sản (bao gồm vàng) và khách hàng phải trả phí cho hoạt động gửi vàng giữ hộ tại TCTD.
Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện chính sách chấm dứt huy động, cho vay vốn bằng vàng và các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã mang lại kết quả tích cực. Cụ thể:
Nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, trong khi đó tiền gửi bằng VND trong hệ thống gia tăng: Từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm; cung, cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng. Doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm đến 70% so với năm 2013; các doanh nghiệp chủ yếu mua ròng vàng miếng từ khách hàng cá nhân. Thị trường không xuất hiện các "cơn sốt" vàng miếng; không còn tình trạng đầu cơ, làm giá diễn ra trong thời gian dài gây bất ổn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô như giai đoạn trước đây. Trong khi đó, số liệu tiền gửi VND từ năm 2014 đến nay liên tục tăng, với tốc độ tăng hàng năm quanh mức 16-20%.
Bản thân nền kinh tế không bị tiêu tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, một phần nguồn lực vàng được chuyển hóa phục vụ nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ: Với các giải pháp quản lý thị trường vàng những năm vừa qua, hiện nay thị trường vàng đang diễn biến ổn định. Nhu cầu vàng miếng suy giảm, thị trường vàng miếng tự điều tiết.
Thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ cũng tự cân đối, hiện nay nhu cầu vàng nguyên liệu chủ yếu chỉ dùng để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Bản thân các doanh nghiệp đều chủ động mua vàng nguyên liệu trên thị trường để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thay vì phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng nguyên liệu như giai đoạn trước đây (trung bình mỗi năm nhu cầu vàng nguyên liệu cho sản xuất trang sức, mỹ nghệ khoảng 10-15 tấn).
Như vậy, có thể khẳng định với các giải pháp vĩ mô đồng bộ, đến nay nguồn lực trong dân đã bước đầu được chuyển hóa thành tiền để sẵn sàng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
“Huy động vàng thông qua chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền, về bản chất là làm thay đổi thói quen, nhu cầu nắm giữ vàng của người dân, làm suy giảm sức hấp dẫn của vàng miếng, ngăn chặn tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. Do vậy, việc chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền là lựa chọn tối ưu để tận dụng nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Quá trình chuyển hóa dựa trên việc người dân tự quyết định chuyển từ nắm giữ vàng sang tài sản khác, vì vậy, sẽ không gây xáo trộn tâm lý, không tạo ra hiệu ứng kích thích tâm lý đầu cơ vào vàng; đồng thời sẽ tiết kiệm được lượng ngoại tệ nhất định do không phải nhập khẩu vàng.” – NHNN thông tin.
Việc chuyển hóa nguồn lực vàng là một quá trình lâu dài, các giải pháp để chuyển hóa nguồn lực vàng cần thực hiện nhất quán, đồng bộ và từng bước. Thời gian qua, NHNN đã nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Đề án“Giải pháp hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020”. Ngày 28/12/2017, NHNN có tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về Đề án. Trong đó, bên cạnh các giải pháp quản lý thị trường vàng, giải pháp về kinh tế vĩ mô nhằm ổn định, nâng cao giá trị đồng Việt Nam, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là tiền đề để thực hiện mục tiêu hạn chế tình trạng vàng hóa, từng bước chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm
Về việc gửi USD với lãi suất 0% và việc huy động nguồn lực USD, NHNN cho rằng, trước đây, do lạm phát luôn ở mức cao nên tình trạng đô la hóa của Việt Nam ở mức báo động cần kiểm soát. Lượng tiền gửi ngoại tệ so với tổng phương tiện thanh toán giai đoạn 2007-2011 ở mức trên 20%, thậm chí đầu những năm 90 còn ở mức 30-40%.
NHNN: "Chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm không tác động bất lợi đến các luồng vốn vào như FII, FDI và kiều hối" |
Hiện tượng mua bán, thanh toán và găm giữ ngoại tệ tiền mặt khá phổ biến, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và phi chính thức ở mức cao tạo áp lực lớn cho thị trường ngoại hối chính thức và ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành tỷ giá và tiền tệ của NHNN, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước sụt giảm mạnh. Sự bất ổn về tỷ giá và thị trường ngoại hối trong giai đoạn này đã là một trong những nguyên nhân gây nên sự bất ổn về kinh tế vĩ mô.
Trước thực trạng đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, NHNN đã đưa ra gói giải pháp đồng bộ để ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế đồng Việt Nam, trong đó có chính sách trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%.
Từ sau khi áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm, diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm (thể hiện qua tỷ lệ đô la hóa giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,21% thời điểm 31/12/2017), hệ thống TCTD chuyển từ bán ròng sang mua ròng ngoại tệ từ năm 2016, tạo điều kiện cho NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước. Tính đến cuối tháng 2/2018, dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt gần 60 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
"Về cơ bản chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm không tác động bất lợi đến các luồng vốn vào như FII, FDI và kiều hối. Luồng vốn vào ổn định và có sự tăng trưởng khả quan qua các năm. Kiều hối trong năm 2017 đạt khoảng 9,84 tỷ USD, tăng 10,76% so với cùng kỳ năm 2016; Giải ngân vốn FDI và FII tiếp tục chiều hướng tích cực, trong đó FDI giải ngân đạt 17,5 tỷ USD." - NHNN phân tích.
Để thu hút được nguồn lực không phải VND vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị VND đóng vai trò then chốt. Khi đồng VND có giá trị ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi thì các nhu cầu tích trữ dự phòng tài sản bằng ngoại tệ, vàng sẽ giảm và nhu cầu đầu tư sẽ tăng lên. Chính vì vậy, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần nâng cao vị thế VND, củng cố niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam.
Bên cạnh đó, NHNN đã triển khai các giải pháp để thu hút các nguồn ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, thể hiện qua chính sách quản lý hoạt động đại lý đổi ngoại tệ và chính sách mua, bán ngoại tệ tiền mặt của TCTD được phép với cá nhân để: (i) vừa đảm bảo mục tiêu thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng; (ii) vừa đảm bảo mục tiêu quản lý thống nhất, chính sách quản lý ngoại hối đối với hoạt động đổi ngoại tệ quy định các tổ chức kinh tế để được làm đại lý đổi ngoại tệ cho TCTD được phép phải đáp ứng các điều kiện rất chặt chẽ theo quy định, nhằm đảm bảo hoạt động đổi ngoại tệ được thực hiện hiệu quả, đúng pháp luật; (iii) tạo thuận lợi cho cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu ở nước ngoài đối với các mục đích học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.
Theo NHNN, nhờ triển khai đồng bộ một loạt các giải pháp trên, tỷ giá và thị trường ngoại tệ đã được giữ ổn định, không còn chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường phi chính thức và thị trường chính thức, tâm lý găm giữ ngoại tệ của tổ chức và dân cư đã giảm đáng kể, lượng ngoại tệ bán cho hệ thống ngân hàng liên tục tăng, góp phần chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ vào phục vụ sản xuất kinh doanh và tạo nguồn cung tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.