Nguồn nhân lực: Yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững
Nguồn nhân lực chất lượng cao: Thách thức lớn với DN Việt | |
Dân số vàng và cơ cấu lạc hậu |
Tăng NSLĐ trong lĩnh vực sản xuất hiện nay đang diễn ra khá chậm chạp, kìm hãm sự phát triển chung cũng như chưa đáp ứng được các mục tiêu kinh tế mà Đảng, Chính phủ đặt ra định hướng đến năm 2020.
Năng suất lao động của các DN Việt ngày càng được nâng cao |
Ông Collin Blackwell, Trưởng nhóm Công tác Nguồn nhân lực của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chia sẻ, để khắc phục vấn đề này, NSLĐ của người lao động phải được cải thiện và các DN có trách nhiệm hỗ trợ để thực hiện hóa mục tiêu này. Khi quá trình này diễn ra thành công thì cá nhân người lao động, DN và cả nền kinh tế đều hưởng lợi.
Chính vì vậy, thúc đẩy phát triển kỹ năng là một phần của giải pháp, cùng với đó là tạo động lực thúc đẩy người lao động. Bản thân người lao động Việt Nam có văn hóa làm việc chăm chỉ, có tinh thần hợp tác và tận tụy với công việc. Kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng, các chính sách nhân sự khuyến khích sự hợp tác và tạo động lực đã được phát huy rất hiệu quả tại Việt Nam, ông Blackwell cho biết thêm.
Theo báo cáo của Chương trình “Việc làm tốt hơn” của ILO và IFC, các DN có điều kiện làm việc được cải thiện trong lĩnh vực dệt may thì hầu hết đều mở rộng quy mô, tăng năng suất lao động và nâng cao doanh thu. Để đạt được những thành quả như vậy thì DN phải hiện thực hóa các vấn đề cụ thể đối với người lao động như: Có mức lương hợp lý, giờ làm việc, bảo vệ thai sản và tuân thủ luật lao động; Môi trường làm việc thích hợp, an toàn; Đào tạo kỹ năng lao động và bình đẳng bằng cách đối xử công bằng.
Bên cạnh đó, việc tạo động lực có thể cải thiện tăng năng suất lao động như: Cung cấp các lợi ích bổ sung về nơi ăn, ở và trạm y tế; Tổ chức các hoạt động có sự tham gia của người lao động như các lễ kỷ niệm, kết hợp với các hoạt động đoàn thể; Ghi nhận những nhu cầu của người lao động và kết nối với chương trình chăm sóc sức khỏe, giáo dục con em công nhân và các chế độ thai sản.
Đảm bảo những yếu tố này đã làm thay đổi năng suất lao động và hiệu quả công việc của ngành dệt may trong thời gian qua, cụ thể: 60% số DN đã mở rộng việc làm, 62% DN tăng NSLĐ động và 65% DN đã tăng doanh thu.
Có thể thấy, khi DN giải quyết được bài toán nguồn nhân lực là có thể gỡ được các nút thắt đang vướng mắc trong sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, việc đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động cũng đang là nhiệm vụ hết sức cấp thiết.
Cuộc CMCN 4.0 đã làm thay đổi những tư duy cũ, lạc hậu trong sản xuất và kinh doanh. Khi người lao động nắm bắt được KHCN và áp dụng tốt thì hiệu quả công việc sẽ tăng lên gấp nhiều lần, đồng thời tiết giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Trên góc độ vĩ mô, TS. Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, những đóng góp của KHCN vào tăng trưởng kinh tế được thể hiện qua sự đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Trong giai đoạn 2010 - 2015, TFP đã đóng góp gần 29% cho tăng trưởng GDP.
Điều này cho thấy dưới tác động của tổng hợp các nhân tố, trong đó có KHCN, các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất (vốn và lao động) đã được sử dụng hiệu quả hơn trong những năm gần đây. Xét ở khía cạnh DN và ngành, việc cải thiện trình độ công nghệ, máy móc thiết bị, trình độ lao động trong các DN Việt Nam và môi trường kinh doanh sẽ tạo động lực lớn cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.