NH vẫn phải “phòng thủ”
Để cán đích thành công | |
Công cụ chính sách và nghệ thuật điều hành | |
Hỗ trợ nền kinh tế bằng hành động |
Trong bối cảnh diễn biến lạm phát ở những tháng đầu năm, NHNN cho rằng, mục tiêu giảm lãi suất là khó khăn. Nhưng rõ ràng, việc chúng ta giữ ổn định được mặt bằng lãi suất đã có thể xem là thành công, từ đó, mới có điều kiện để các TCTD tiết kiệm để giảm lãi suất. PHÓ THỐNG ĐỐC NHNN NGUYỄN THỊ HỒNG |
“Trả” liên NH về đúng chức năng
Đầu tháng 9/2016, tuy không phải là đại trà nhưng một số NHTM đã điều chỉnh lãi suất huy động (LSHĐ) tăng nhẹ. Đơn cử như VietCapital Bank đã điều chỉnh LSHĐ kỳ hạn 13 tháng tăng từ 7,5% lên 7,8%. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này là 8,2% khi khách gửi 18 tháng.
Trước đó, VPBank cũng đã công bố biểu lãi suất tiền gửi tăng nhẹ 0,1- 0,2% ở một số kỳ hạn. Lãi suất niêm yết cao nhất của NH là 7,7% với kỳ hạn 36 tháng. Đáng chú ý vào thời điểm này lãi suất cho vay VND trên thị trường liên NH ở mức thấp kỷ lục so với mức trung bình trong nhiều năm nay. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên NH chỉ ở mức dưới 1%/năm. Vậy tại sao lãi suất huy động trên thị trường dân cư vẫn tăng?
Thị trường liên NH đang biểu hiện đúng với bản chất |
Lý giải hiện tượng lãi suất liên NH xuống kỷ lục, đại diện Lãnh đạo NHNN cho rằng, đây là chủ ý trong điều hành của cơ quan chủ quản. Chính vì vậy, thời gian qua NHNN đã tiếp tục mua ngoại tệ nên lượng tiền VND khá lớn được đưa ra thị trường. Mặc dù NHNN cũng đồng thời phát hành tín phiếu để hút tiền về nhưng thanh khoản VND vẫn khá dồi dào.
Sở dĩ thị trường liên NH được đánh giá là về đúng chức năng, vai trò của mình là bởi các chuyên gia cho rằng, các TCTD đã có những bài học đắt giá khi dùng vốn vay trên thị trường liên NH hay còn gọi là thị trường hai để cấp tín dụng trước đây. Ở nhiều nước trên thế giới, hoạt động thị trường liên NH chủ yếu cho vay qua đêm giữa các TCTD để bù đắp thiếu hụt tạm thời về thanh khoản. Cả bên cho vay lẫn đi vay không thích kỳ hạn dài. Các NH hiện khá dư thừa về thanh khoản.
Vậy lý do gì khiến NH vẫn giữ nguyên mặt bằng LSHĐ hay thậm chí một số NH trên còn tăng nhẹ lãi suất? Câu trả lời từ một số lãnh đạo NH là việc tăng hay giữ nguyên mặt bằng LSHĐ cũng chỉ diễn ra ở một vài NH, không có sự đồng đều vì nhiều NH huy động vốn rất tốt ngay cả khi đã giảm lãi suất.
Theo ông Tiết Văn Thành – Tổng giám đốc Agribank, từ đầu năm 2016 đến nay NH này luôn trong bối cảnh thừa vốn, số dư bình quân khoảng 25.000 tỷ đồng. Thậm chí, Agribank giảm LSHĐ nhưng tiền gửi vẫn về NH.
Một số NH tăng LSHĐ cũng không thực sự do thanh khoản vì trong quá trình điều hành hàng ngày NHNN cũng rất nhanh nhạy với công cụ thị trường mở (OMO). Đặc biệt, với khối lượng giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ và các loại giấy tờ có giá khác tương đối lớn, hoàn toàn đủ để các TCTD có thể tiếp cận vốn từ NHNN.
Lý giải về việc mặt bằng LSHĐ giữ nguyên khi thanh khoản hệ thống dồi dào, ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, sau khi NHNN ban hành Thông tư số 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài và những lộ trình của thực hiện Basel II đã tác động đến quản trị của các NH và buộc họ phải tính toán.
Một số lãnh đạo NH cũng chia sẻ, vào những thời điểm thanh khoản hệ thống tốt, họ rất muốn giảm đầu vào của lãi suất nhưng nhìn sang các NH bạn vẫn giữ nguyên nên cũng đành phải giữ theo. “Nếu chúng tôi giảm LSHĐ xuống là mất thị phần, mất nguồn vốn ngay…”- lãnh đạo một NHTM lớn chia sẻ.
Thận trọng là cần thiết
Như vậy có thể nói, mặc dù thanh khoản hệ thống thời gian qua khá dồi dào nhưng các nhà băng vẫn thận trọng, phải “phòng thủ”, nhất là khi dự báo tín dụng những tháng cuối năm bao giờ cũng tăng trưởng mạnh hơn. Theo công điện của Thủ tướng Chính phủ mới đây thì Chính phủ kiên định với các mục tiêu, trong đó phấn đấu GDP tăng cao trong những tháng cuối năm nên tăng trưởng tín dụng cũng chịu sức ép từ mục tiêu này.
Có ý kiến cho rằng, mặc dù NHNN chủ động điều hành để lãi suất liên NH giảm mạnh, nhằm tạo thanh khoản tốt cho thị trường, giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu. Tuy nhiên, theo ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, nhìn như vậy là chưa chính xác. Có thể lãi suất bình quân của đầu ra được giữ nguyên, nhưng riêng với lãi suất cho vay bán buôn những DN tốt đã giảm mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia NH cho rằng, đúng là hiện nay những DN tốt có tình hình tài chính lành mạnh vẫn vay được lãi suất 6%/năm với kỳ hạn ngắn và khoảng 8-9%/năm với kỳ hạn dài.
Các chuyên gia cho rằng, đúng là thời gian qua NHNN mua được ngoại tệ làm dự trữ ngoại tệ, đẩy VND ra; cùng với đó huy động VND tăng trưởng tốt trong khi các DN cũng tốt hấp thụ vốn ít, điều này giúp thanh khoản hệ thống tạm thời dư thừa.
Bên cạnh đó, các NH cũng phải tính đường xa, bởi năm nay có thể lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp, một số DN tốt được vay với lãi suất thấp quen rồi, trong diễn biến vĩ mô rất khó lường nên khó biết thời gian tới có giữ được lãi suất. Ngoài ra, trong bối cảnh vốn dư thừa hiện nay thì các NH tranh thủ mua trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài, nhưng 2-3 năm nữa nếu lãi suất tăng lên họ cũng lo ngại rủi ro lãi suất.