Chi phí logistics: Một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn
Logistics với thương mại điện tử | |
DN logistics Việt: Học hỏi để phát triển | |
Thu hẹp khoảng cách với các DN ngoại |
Lãng phí thể chế, nguồn lực
“DN đã kiến nghị những vấn đề rất cụ thể cần giải quyết để giảm chi phí kinh doanh, trong đó có chi phí logistics. Chỉ cần thay đổi thái độ, cách làm việc, chia sẻ để cùng nhau hợp tác giải quyết vấn đề thì nó sẽ khác, nhưng cơ quan Nhà nước có vẻ vẫn nghe chỗ này ra chỗ kia”, TS.Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phát biểu thẳng thắn tại Hội nghị toàn quốc về logistics: Các giải pháp giảm chi phí kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, tổ chức ngày 16/4.
Ông Cung lấy dẫn chứng, kết nối hạ tầng đường bộ thiếu tương thích đang tạo nên mảnh đất để phát sinh chi phí không đáng có cho DN. Chẳng hạn một con đường cho phép tải trọng tối đa 20 tấn, nhưng cây cầu trên cùng đường đó chỉ cho phép 10 tấn, khi xe chạy qua cầu vẫn phải chịu nộp phạt vì vượt tải trọng, đó là một trong những thực tiễn làm tăng chi phí của DN một cách không đáng có.
“Trường hợp này cơ quan quản lý Nhà nước nói tôi áp dụng đúng luật nhưng phải nhìn vào thực tế là DN không có đường khác để đi ngoài vi phạm luật. Đó là những vấn đề rất cụ thể cần giải quyết cho DN”, ông Cung phân tích. Viện trưởng CIEM cho rằng, để giảm những trường hợp thực tế trên, trước hết phải thay đổi thái độ, cách thức làm việc theo lối chia sẻ, tạo điều kiện với DN để cùng giải quyết vấn đề của sự phát triển.
Một vấn đề khác có thể thay đổi để cắt giảm chi phí, theo ông Cung chính là thể chế. Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó yêu cầu bãi bỏ ít nhất 1/2 số điều kiện kinh doanh trong ngành logistics nói riêng và vận tải nói chung, tuy nhiên để cắt giảm là không hề đơn giản.
“Người đứng đầu nhiều bộ ngành đã kêu gọi bỏ, nghe thì dễ thôi nhưng ở dưới bỏ thì tiếc lắm, nên phải rất quyết liệt và phải nói được ngày nào tháng nào bỏ được. Nếu Bộ trưởng không chỉ đạo quyết liệt, thậm chí áp đặt thì không thực hiện được”, ông Cung quả quyết.
TS. Nguyễn Đình Cung cũng chỉ ra một vấn đề dài hạn khác đang làm lãng phí nguồn lực, đồng thời lại khiến chi phí logistics tăng cao, đó là vấn đề kết nối giữa các công trình hạ tầng đường bộ, đường thuỷ, hàng không… “Một bên là đường quốc lộ, tỉnh lộ, cách cảng sông chỉ khoảng 500 m cũng không kết nối được. Ở nhiều nơi chúng ta chỉ cần tập trung nâng cấp một con đường 1-2 km là đã kết nối được giữa các phương thức vận tải và giảm chi phí, nhưng chúng ta không làm điều đó”, ông Cung chỉ thêm các nút thắt.
Rò rỉ nhỏ sẽ nhấn chìm tàu lớn
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo, chi phí logistics của Việt Nam hiện nay đang bị đội lên do nhiều nút thắt. Theo Giám đốc quốc gia của WB, thành công của Việt Nam trong việc giảm chi phí thương mại dựa chủ yếu vào cắt giảm thuế quan, nay đã đạt giới hạn. Để duy trì thành công cần tập trung vào giảm chi phí phi thuế quan, gồm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước và tại cửa khẩu, và chi phí logistic.
Cơ quan này cho biết, chi phí logistics của Việt Nam tương đương khoảng 20,9% GDP (trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 60%), gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển (Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%, Nhật Bản khoảng 11%, các nước thuộc khối EU khoảng 10%).
“Chúng tôi lấy chỉ số trung bình của các nước ASEAN-4, là chỉ tiêu Chính phủ lấy làm mục tiêu so sánh, thì Việt Nam hiện nay thấp hơn trong hầu hết các cấu phần khác nhau của chi phí thương mại”, ông Phan Minh Đức, chuyên gia của WB nêu thực tế.
Vị này khuyến nghị, để giảm chi phí thương mại, Việt Nam cần tập trung vào 4 trụ cột. Thứ nhất, tạo thuận lợi thương mại thông qua đơn giản hoá quy định hải quan và quản lý chuyên ngành. Ở trụ cột này, cần tập trung vào giảm chi phí tuân thủ mềm, phần lớn liên quan đến hàng rào kỹ thuật thương mại và các biện pháp kiểm dịch động thực vật.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng thương mại và chất lượng kết nối, trong đó tập trung vào phát triển các phương thức vận tải đa phương thức nhằm nối các cực tăng trưởng với các cửa ngõ quốc tế chính.
Thứ ba, các quy định đối với dịch vụ logistics, DN cung cấp/người sử dụng dịch vụ logistics, trong đó tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đáng tin cậy. Cuối cùng là tăng cường phối hợp liên ngành.
Dẫn câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Benjamin Franklin: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ, một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh, tính cạnh tranh xuống thấp?
Vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với DN Việt Nam hiện nay, trong đó, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải, việc kết nối kém đã góp phần làm tăng chi phí vận tải và logistics.
Với tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo việc cắt giảm chi phí cho DN, đặc biệt là giảm chi phí logistics phải được quan tâm đúng mức và thực hiện có hiệu quả với các hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và người dân.