Nhà đầu tư ngoại quan tâm đến khởi nghiệp
Hóa giải thách thức khởi nghiệp | |
Startup và những khởi đầu mới | |
Không lo thiếu tiền, chỉ sợ thiếu cơ chế |
Vừa qua, ngày hội đầu tư “Demo Day 2016” là cơ hội để các nhóm khởi nghiệp này xúc tiến, quảng bá dự án của mình trước đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Một buổi tư vấn của các chuyên gia từ Thung lũng Silicon Mỹ chuẩn bị cho Demo Day 2016 |
Trong năm thứ hai tổ chức, Demo Day 2016 thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư với các dự án Utimai - mạng xã hội di động xử lý các vấn đề thường xuyên phát sinh trong cuộc sống; School bus - nền tảng truyền hình trực tiếp trên Internet dành cho giáo viên và học sinh phổ thông trung học; Kera - hệ thống học trực tuyến dành cho các DN, giúp các DN đào tạo nhân viên bằng cách tạo ra các khóa đào tạo trực tuyến sử dụng trong nội bộ; EZ4Home - showroom trực tuyến về nội thất xây dựng, tạo ra những không gian nội thất 3D trên nền tảng web và di động; Regen - nền tảng để kết nối nhanh nhất giữa những người có nhu cầu về máu và những người có thể hiến máu…
Demo Day 2016 là sự kiện nằm trong chuỗi chương trình sẽ diễn ra trong năm 2016 của Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam - Vietnam Silicon Valley (VSV), nhằm hỗ trợ và kết nối cộng đồng nhà đầu tư với các DN khởi nghiệp trong nước, được Bộ Khoa học - Công nghệ triển khai từ năm 2013.
Tham vọng của VSV là đẩy mạnh năng lực kinh doanh (Business Accelerator - BA), giúp các bạn trẻ ao ước được khởi nghiệp nâng cấp sản phẩm của mình, tư vấn chiến lược kinh doanh, cách thu hút vốn đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tư nhân…
Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án chia sẻ với phóng viên, những trái ngọt đầu tiên của VSV chính là Tech Elite, Astro Telligent (sau đổi tên thành Jobwise), Lozi, hay LoanVi… bước đầu tạo được hiệu ứng tốt trong cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, thúc đẩy giới trẻ hăng hái khởi nghiệp.
Với TechElite, thành công là việc gọi được số vốn 230.000 USD. Tại thời điểm đó (tháng 11/2014), công ty được định giá 1,8 triệu USD, trong khi tháng 6/2014 khi TechElite nhận vốn mồi từ VSV thì định giá công ty mới là 200.000 USD.
Hay Astro Telligent thành công trong việc đưa giải pháp quản lý tuyển dụng chuyên nghiệp của mình vào phục vụ NHTMCP Quốc tế (VIB) với hợp đồng trị giá 20.000 USD. Để có được hợp đồng này Astro đã phải vượt qua các đối thủ quốc tế hùng mạnh như Oracle, hay một đối thủ lớn tầm cỡ ở Việt Nam là VCCorp. Astro Telligent cũng đã gọi thành công 50.000 USD vốn đầu tư mạo hiểm tiếp theo từ các nhà đầu tư cá nhân.
Còn LoanVi.com của CTCP FINSOM sau thời gian tập huấn tiếp tục được đầu tư 50.000 USD bởi Spark Lab Global. Đặc biệt hơn, sáng lập LoanVi là Hải Nguyễn được trao tặng giải thưởng Federal Assistance từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam vì các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin.
Trở lại với 11 nhóm khởi nghiệp được chọn giới thiệu tại Demo Day 2016 năm nay, qua những buổi tư vấn của VSV, những start-up này đã hiểu ra rằng, hệ sinh thái cho khởi nghiệp tại Việt Nam chưa có, nền tảng pháp lý cho hoạt động này còn yếu, cũng như kinh nghiệm và vốn để thúc đẩy các ý tưởng khởi nghiệp được thương mại hóa còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, Việt Nam còn đang trong quá trình phải học hỏi từ những mô hình thành công ở Mỹ, Israel, Hàn Quốc, Singapore… Điều này đặt ra rất nhiều thách thức cho mục tiêu đến năm 2025, 100 DN tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng mà Bộ Khoa học và Công nghệ đề ra.
Ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận, cả 11 nhóm khởi nghiệp nêu trên mới chỉ tập trung ở các lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ, việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu còn hạn chế. Chính vì vậy, để cùng nhau khởi nghiệp thì chỉ mình VSV là chưa đủ.
Phải có hàng ngàn VSV, thậm chí hàng trăm ngàn DN khởi nghiệp thành công từ nền tảng nghiên cứu và ứng dụng phát triển khoa học công nghệ. Chỉ có những DN đó mới có sức cạnh tranh, mới hy vọng làm nên một Việt Nam đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, để có thể xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam thành công thì cần sự trợ lực không chỉ về cải tiến thủ tục đăng ký kinh doanh, có sự liên kết giữa các sở, ngành để hỗ trợ pháp lý cho những DN khởi nghiệp… mà còn cần khuyến khích các DN đã thành công và lớn mạnh quay lại hỗ trợ DN khởi nghiệp.
Khi các nhà đầu tư bỏ tiền vào DN khởi nghiệp, họ không chỉ đơn thuần soát xét tính hiệu quả, cùng với đó còn là kiến thức quản trị DN… một cách gián tiếp chia sẻ cả những câu chuyện thành công cũng như những kinh nghiệm thất bại… tạo cơ hội để những DN này phát triển thành DN lớn.
Dành 40.000 m2 đất cho dự án khởi nghiệp TP.HCM sẽ dành 40.000 m2 diện tích trên toàn thành phố để thu hút đầu tư dự án khởi nghiệp, đó là một trong những nội dung triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ đã được UBND TP.HCM phê duyệt trong tuần qua. Theo đó, hỗ trợ gián tiếp 2.000 dự án khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo kết nối, vườn ươm. Trong đó hoạt động thu hút đầu tư cho khởi nghiệp trên các hình thức đối tác công tư với các đối tác trong và ngoài nước để xây dựng và vận hành hai vườn ươm tạo theo tiêu chuẩn quốc tế thuộc lĩnh vực ươm tạo của hai trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện – điện tử, hóa dược – cao su, nhựa, chế biến tinh lương thực – thực phẩm). Xây dựng “quỹ đầu tư mạo hiểm”, mở rộng “sàn giao dịch ý tưởng kinh doanh”, tổ chức “sàn đầu tư khởi nghiệp” thường niên. Trước đó, UBND TP.HCM đã có yêu cầu các sở, ngành liên quan thực hiện rà soát để báo cáo thành phố trong ngày 15/8 về việc dành 1.000 tỷ đồng vốn ngân sách thành phố để hỗ trợ khởi nghiệp hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang doanh nghiệp trong đó có bao gồm trình tự và thủ tục giải quyết. Ph.H.Ng |