Nhà ở cho công nhân: Cần khuyến khích theo hướng xã hội hoá
Thực trạng đáng buồn
Theo số liệu thống kê của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện có 1,6 triệu lao động trực tiếp đang làm việc tại các Khu công nghiệp (KCN) và hàng triệu công nhân, lao động tại các xí nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn thuộc các cụm công nghiệp hoặc độc lập. Tuy nhiên, chỉ 20% công nhân có chỗ ở ổn định; 80% đang phải đi thuê nhà trong điều kiện ăn ở tồi tệ.
Xã hội hoá nhà ở cho công nhân thuê là một chủ trương đúng đắn cần có sự ủng hộ của chính quyền các cấp
Đa số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các KCN trên cả nước đều phải thuê nhà trọ của tư nhân với giá thuê từ 200.000 - 300.000 đồng/người/tháng. Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp, điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo. Trong khi mức thu nhập bình quân hàng tháng của công nhân lao động làm việc tại các KCN còn thấp, từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Chỗ ở tạm bợ, không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của công nhân và làm xáo trộn tình hình trật tự, an toàn xã hội tại nhiều KCN.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho biết, nhu cầu về nhà ở cho công nhân trên địa bàn Hà Nội rất lớn và bức thiết. Việc xây dựng nhà ở công nhân KCN của Hà Nội đang ở giai đoạn thí điểm, mới đáp ứng được gần 5% nhu cầu.
Theo đó, Hà Nội hiện có 18 KCN, trong đó có 8 KCN tập trung đang hoạt động với 200.000 công nhân, nhưng chỉ duy nhất một khu nhà ở cho công nhân tại Kim Chung, Đông Anh được đưa vào sử dụng thí điểm từ năm 2007, nhưng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Chị Ngọc Thúy, công nhân sống tại tòa nhà A4 cho biết, mỗi lần mưa, nước lại thấm vào tường khiến mốc xanh. Vào mùa nồm, tường bong tróc từng mảng rơi xuống nền nhà. “Nhìn bề ngoài chung cư sạch sẽ, nhưng bên trong cũ nát. Chúng tôi không dám nấu nướng vì sợ mất vệ sinh. Hệ thống thoát nước thải kém khiến nước thải sinh hoạt tràn ra ngoài đường. Từ lúc về ở trọ tôi chưa thấy một đơn vị nào đứng ra bảo dưỡng tòa nhà”, chị Thúy nói.
Không chỉ xuống cấp, các tòa nhà thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước. “Công nhân đi làm về cùng một ca và tập trung tắm giặt một thời điểm khiến tình trạng thiếu nước thường xuyên xảy ra. Cứ nghĩ ở trong chung cư sẽ sướng, ai ngờ còn khổ hơn thuê trọ bên ngoài”, chị Đinh Bích Loan, tòa nhà A5 chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay cả quy định về giá thuê nhà lưu trú cho công nhân cũng đang gặp nhiều bất cập, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà lưu trú đã xây khang trang, sạch đẹp nhưng vẫn không có công nhân vào ở.
Xã hội hóa cách nào?
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người lao động, công nhân tại các KCN chính là nhiều KCN được hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó, việc đầu tư nhà ở cho công nhân thuê đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên các DN không mặn mà đầu tư...
Trước thực trạng này, theo ông Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng), để giải bài toán nhà ở cho công nhân cần thiết phải có chính sách quy định về việc hình thành nguồn vốn hoặc quỹ phát triển nhà ở; quỹ hỗ trợ thuê nhà ở cho DN tham gia xây dựng cho công nhân.
Xã hội hoá chương trình nhà ở cho công nhân là một trong những biện pháp cần phải tính đến. Theo đó, cần phải có chính sách ưu đãi để khuyến khích các DN tham gia đầu tư xây dựng nhà lưu trú để góp phần ổn định cuộc sống cho công nhân, người lao động. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận đúng vai trò những xóm trọ công nhân tự phát tại xung quanh các KCN trong việc giải quyết nhà trọ cho công nhân. Để từ đó có những chính sách quy hoạch hỗ trợ mô hình này.
Khảo sát về các hộ xây nhà cho công nhân thuê tại xã Quang Minh, huyện Mê Linh, chúng tôi được biết, hiện tại đây có khoảng trên 50 hộ có nhà trọ cho công nhân thuê, nhà nhiều nhất có tới 24 phòng trọ. Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Xuân Trưởng chủ của 2 dãy nhà nhà trọ tại xã Quang Minh cho biết, ông đầu tư nhà trọ cho công nhân thuê từ những năm 2005.
Ban đầu với một dãy nhà cấp 4 có 6 phòng, nhưng đến nay ông đã có đến 2 dãy nhà trọ với 18 phòng trọ cho thuê, lúc nào cũng kín khách thuê dài hạn. Hiện có nhiều hộ trong xã cũng muốn đầu tư xây nhà trọ cho công nhân thuê nhưng cũng còn một số vấn đề vướng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đường điện, nước… và quan trọng nữa là vốn đầu tư khá lớn nên cũng rất khó khăn trong việc triển khai.
Trao đổi về chủ trương xã hội hoá xây nhà cho công nhân thuê, ông Lưu Tiến Long, Thành uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Mê Linh, Hà Nội cho biết: Chủ trương xã hội hoá đầu tư nhà cho công nhân thuê là một chủ trương đúng đắn cần có sự ủng hộ của chính quyền các cấp. Với Mê Linh, một trong những huyện ngoại thành có nhiều KCN, nhà máy lớn, việc giải quyết nhà ở cho công nhân bằng nguồn lực tổng hợp của xã hội lại càng quan trọng.
Thực tế trên địa bàn Mê Linh các khu dân cư bên cạnh KCN đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên cần có sự quản lý, quy hoạch của chính quyền để bảo đảm về mặt vệ sinh, an ninh và điều kiện sống tốt cho công nhân; đồng thời tránh tình trạng các hộ dân xây nhà một cách tự phát. Đối với các DN, nhà máy trên địa bàn có nhu cầu xây nhà cho công nhân có thể đăng ký với chính quyền sẽ được tạo điều kiện tối đa về cơ chế, mặt bằng để triển khai.
Hoàng Phương