Nhà ở xã hội: Xu thế theo nguồn cung
Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở sẽ về đich đúng hạn | |
Hà Nội phải bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội | |
Huy động tối đa các nguồn lực tài chính cho phát triển nhà ở xã hội |
Đây là nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp với hàng nghìn căn hộ được đưa vào sử dụng. Tính đến hết tháng 11/2016, toàn Thành phố đã có 36 dự án được hoàn thành với hơn 1,3 triệu m2 sàn.
Nhà ở xã hội giúp nhiều lao động trẻ có cơ hội "an cư lạc nghiệp" tại thủ đô. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Nhà thu nhập thấp: Sức nóng từ nhu cầu
Thủ đô Hà Nội ngày một có sức hút với người dân nhiều địa phương không chỉ về bề dầy văn hóa mà cả sự năng động về kinh tế thời gian gần đây. Việc gia tăng cư dân đi kèm với nhu cầu về nhà ở ngày một lớn hơn. Đặc biệt, các lao động trẻ chiếm đa phần trong dòng người đang đổ về Hà Nội, họ đa số là thanh niên khởi nghiệp chưa có nhiều tích lũy về kinh tế nhưng luôn có nhu cầu “an cư lập nghiệp”.
Nắm được xu thế này, Hà Nội đã triển khai thí điểm 800 căn hộ để cho thuê, cho thuê mua tại khu đô thị mới Việt Hưng; dành khoảng 20ha đất tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long xây dựng 1 khu nhà ở cho hơn 10.000 công nhân đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Đặc biệt, sau khi có quy định của Chính phủ yêu cầu các dự án nhà ở xã hội phải có nhà xã hội cho thuê, một số chủ đầu tư đã dành 20% quỹ đất cho thuê như: Dự án Đặng Xá (270 căn), dự án Ecohome 2 (120 căn), dự án Đồng Mô - Đại Kim (137 căn)...Thành phố cũng đã thực hiện chuyển đổi 12 dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội với 8.883 căn hộ.
Đặc biệt, xóa bỏ quan niệm của nhiều người khi có suy nghĩ nhà ở xã hội không khác gì “nhà mậu dịch” trước đây, từ quy trình, cách thức triển khai dự án, Công ty rất chú trọng đến vấn đề chất lượng, tiến độ và tiện ích cộng đồng.
Lợi ích cho cộng đồng có thể nhìn thấy rõ, tuy nhiên để triển khai dài hơi các dự án về nhà ở xã hội, Hà Nội cũng đang gặp nhiều vướng mắc về nguồn vốn, quỹ đất sạch. Đặc biệt, việc phát triển nóng nhà ở xã hội cũng dẫn tới hệ lụy là chưa điều tra sát thực tế cung – cầu để đưa ra định hướng, quy hoạch phát triển khả thi nhằm giúp người dân thu nhập thấp có cơ hội được mua nhà giá thấp.
Được sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng, nhà ở xã hội đã giảm được giá thành, giúp cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân,... không có khả năng mua nhà ở theo cơ chế thị trường có cơ hội được cải thiện chỗ ở để an cư lập nghiệp.
Nhưng để tiếp tục xây dựng, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội sẽ có thêm 40 dự án nhà ở xã hội với gần 3,3 triệu m2 sàn, Hà Nội nói chung, người dân thu nhập thấp và doanh nghiệp Thủ đô nói riêng vẫn rất cần được tiếp sức bằng một hệ thống đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách, quy hoạch, quản lý và nhất là nguồn vốn vay ưu đãi.
Chính sách để cân bằng nhu cầu và quy hoạch
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, năm 2016, phân khúc hàng hóa lớn nhất là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại với giá trung bình và thấp. Các nhà đầu tư, các nhà môi giới, phân phối sản phẩm bất động sản đã ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng tích cực cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Hiện nay, phân khúc nhà ở thương mại có giá khoảng 15 triệu/m2 đang khá hiếm trên thị trường. Ông Hà cũng ghi nhận, một trong những lý do khiến doanh nghiệp không mặn mà với các dự án nhà ở bình dân là do biên độ lợi nhuận của phân khúc này thấp.
Nhà ở xã hội phục vụ đối tượng có thu nhập thấp và ngược lại, người có thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Quy luật thị trường tưởng chừng như tất yếu ấy phải luôn xảy ra và đúng với mọi trường hợp, mọi dự án nhà ở xã hội. Vậy nhưng, thị trường nhà ở này lại đang có những diễn biến làm bất ngờ cả chủ đầu tư lẫn khách hàng.
Thực tế cho thấy, đối với những doanh nghiệp làm tốt, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, giá cả hợp lý và nhất là có vị trí phù hợp luôn được thị trường đón nhận kể cả với mức giá cao hơn. Song, với những dự án do quy hoạch không phù hợp, dù giá rẻ, số lượng nhiều, vẫn thuộc diện “hàng ế”.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thừa nhận, qua dư luận phản ánh, Thành phố đã cho kiểm tra và xác định đúng là có đối tượng không đủ tiêu chuẩn vẫn được mua nhà ở xã hội, thậm chí mua xong lại bán, cho thuê lại, đục thông hai căn hộ liền kề...
Hay việc tuân thủ pháp luật của một số chủ đầu tư vẫn còn hạn chế như: chậm tiến độ, không chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp sử dụng không đúng mục đích, chưa thành lập Ban quản trị nhà chung cư, không có đầu mối thực hiện cụ thể để kiểm tra, giám sát các hộ dân sau khi ký hợp đồng mua nhà...
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, quy định về nhà ở xã hội sau 5 năm người mua nhà mới được bán cũng không phù hợp cần được xem xét lại, vì theo Luật Dân sự quy định, tài sản của cá nhân, thì cá nhân được quyền sử dụng.
Ngoài ra, một số quy định từ việc đơn giản hóa thủ tục xác nhận cho người dân khi mua nhà ở xã hội đã gây nên tình trạng “loạn” xác nhận. Thực tế, có những người mua nhà ở xã hội nhưng lại đi xe ô tô xịn không phải hiếm, cũng do quy trình xác nhận điều kiện chưa có nhà quá dễ dàng.
Theo ông Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay Hà Nội đã yêu cầu các địa phương phải xác định chỉ tiêu phát triển nhà ở; trong đó có nhà ở xã hội là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm, bởi nhu cầu về loại hình nhà ở này vẫn còn rất lớn.
Để làm được vấn đề này, trước hết, các đơn vị chức năng của thành phố phải khảo sát, điều tra sát nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội, cụ thể đối với từng khu vực để phân bổ, bố trí xây dựng các dự án phù hợp, tránh tình trạng nhà bán không người mua, nhà chưa bán đã có “gạch xếp hàng”.