Nhân công giá rẻ không tạo nên sự hấp dẫn
Ảnh minh họa |
Công ty TNHH Winners Vina đã lựa chọn tỉnh Thanh Hóa làm điểm đầu tư từ năm 2011, sau khi khảo sát và cân nhắc giữa nhiều địa phương của Việt Nam. Với một công ty dệt may điển hình như DN này, nguồn nhân lực dồi dào là đòi hỏi tất yếu. Ở tiêu chí ấy Thanh Hóa được chọn. Ông Kim Young Jin, Tổng giám đốc Winners Vina cho biết, DN của ông chỉ mất 3 tháng để tuyển dụng đủ hơn 3.000 lao động vào làm tại nhà máy.
Mức lương 2,8 triệu đồng/người/tháng, vốn không còn đủ sức hấp dẫn người lao động ở các thành phố, khu đô thị lớn, thì vẫn đảm bảo thu hút nhiều người đến Winners Vina làm việc. Ông Kim không giấu tính toán của mình khi lựa chọn vùng đất này, đó là tận dụng lao động địa phương giúp tiết kiệm đáng kể chi phí. Lương thấp là một điều kiện, hơn nữa DN cũng không cần phải đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống người lao động...
Đó có lẽ cũng là tính toán chung của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn Thanh Hóa làm đại bản doanh. Sự “chuyển mình” trong thu hút dòng vốn FDI của Thanh Hóa cũng bắt đầu từ đây, đưa tỉnh này tiến lên vị trí đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong năm nay. Chẳng thế, tại diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn được tổ chức mới đây tại Thanh Hóa, lãnh đạo tỉnh cũng nhấn mạnh tới yếu tố nguồn nhân lực dồi dào như một thế mạnh vượt trội.
Ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, với 2,1 triệu lao động, dân số đang trong thời kỳ cơ cấu vàng sẽ còn kéo dài lợi thế nhân lực sẵn có, nhưng thế mạnh còn vì chi phí lương tại đây rất cạnh tranh. Đây cũng là điểm được lãnh đạo tỉnh đề cập khi “chào hàng” tới các nhà đầu tư. Cụ thể là lương tối thiểu đối với lao động chưa qua đào tạo chỉ 70 USD/tháng, trong khi mức lương trung bình 150 USD/tháng. “Lợi thế giao thông, vị trí địa lý… sẽ giảm dần, chỉ còn lợi thế con người là tiếp tục được phát huy để duy trì sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư tại Thanh Hóa”, Chủ tịch Trịnh Văn Chiến khẳng định.
Cũng biết chất lượng lao động là một hạn chế, Thanh Hóa đã có chiến lược phát triển nhân lực đến năm 2020, trong đó chất lượng được chú trọng. Tuy nhiên, ngay tại diễn đàn nói trên, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chưa làm thỏa mãn nhà đầu tư khi đề cập tới các chính sách thu hút FDI phát triển nguồn nhân lực.
Trước câu hỏi của đoàn DN đến từ Cộng hòa Liên bang Đức về cơ chế hỗ trợ các DN đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề, ông Trịnh Văn Chiến cho biết, hiện mới chỉ miễn tiền thuê đất theo chủ trương chung của Chính phủ, được áp dụng đến 2015. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng chưa có bất cứ một ưu đãi riêng nào dành cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Hiện tại, Thanh Hóa có 3 trường đại học, 4 cao đẳng và 95 trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và cơ sở dạy nghề, song sự liên kết giữa các cơ sở này với nhau và với DN còn lỏng lẻo. Nhất là cho tới nay, các chính sách kết nối cơ sở dạy nghề với DN còn quá yếu ớt cũng cản trở việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cho sát với yêu cầu thực tế.
Ngược lại, nhu cầu đang lớn dần với nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Ông Simurai, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án FDI lớn nhất tại Khu kinh tế Nghi Sơn cho biết, ban quản lý dự án mong muốn sử dụng được càng nhiều lao động địa phương càng tốt. Hiện tại, số lao động đang tham gia vào quá trình xây dựng nhà máy là khoảng 1.000 người. Còn trong giai đoạn vận hành, dự án cần khoảng 20.000 kỹ sư và công nhân Việt Nam làm việc cho dự án và các nhà thầu phụ. Vì vậy, việc tuyển dụng nhân lực đòi hỏi sự chuẩn bị khẩn trương, đặc biệt là vấn đề chất lượng nguồn nhân lực phải được tính toán ngay từ bây giờ.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá, Thanh Hóa cần chú trọng nhiều hơn nữa tới vấn đề lao động. “Thanh Hóa có nguồn nhân lực dồi dào, phát triển được nhiều dự án quan trọng mà để nhân lực tới làm giàu cho nơi khác hoặc người nơi khác đổ về địa phương mình thì không nên”, ông Phúc nhấn mạnh.
Cũng nhân diễn đàn này, một chuyên gia lưu ý, câu chuyện cải thiện chất lượng nguồn nhân lực không chỉ là vấn đề của riêng tỉnh Thanh Hóa. Nếu không kịp thời có sự chuyển biến tích cực thì dấu hiệu chuyển mình của các dự án FDI tại địa phương này có thể chỉ là để tranh thủ vét nốt lợi thế nhân lực dồi dào của địa phương.
Khanh Ngọc