Nhập siêu quay lại và những nỗi lo
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước chỉ đạt 9,2 tỷ USD trong nửa đầu tháng 1, trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa lên tới hơn 10,19 tỷ USD. Như vậy cán cân thương mại thâm hụt tới gần 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 1/2019.
Ảnh minh họa |
Mặc dù cán cân thương mại đã đảo chiều thâm hụt trở lại kể từ tháng 12/2018 sau nhiều tháng thặng dư liên tục. Song việc cán cân thương mại thâm hụt tới 1 tỷ USD trong vòng có 15 ngày, mức thâm hụt lớn nhất trong nhiều tháng trở lại đây không khỏi khiến nhiều người giật mình.
Bên cạnh con số nhập siêu lớn còn có nhiều lý do khác khiến người ta lo ngại. “Thủ phạm” gây ra nhập siêu vẫn là khu vực kinh tế 100% vốn trong nước. Cụ thể khu vực này nhập siêu tới hơn 1,4 tỷ USD trong những ngày đầu năm, trong khi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục xuất siêu 420 triệu USD. Điều đó có nghĩa xuất siêu đang phụ thuộc rất lớn vào khu vực FDI và chỉ cần khu vực này chững lại, nền kinh tế sẽ quay lại tình trạng nhập siêu.
Thứ hai, nếu như nhập siêu xuất phát từ hoạt động nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu thì không có gì phải lo vì nó sẽ tạo tiền đề cho sản xuất và sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn trong các chu kỳ sau. Thế nhưng nhập siêu những ngày đầu năm lại chủ yếu là hàng tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, chẳng những không có tác dụng thúc đẩy mà ngược lại còn gây nhiều tổn hại đến sản xuất trong nước.
Lấy đơn cử như ôtô, số liệu thống kê cho thấy, trong 15 ngày đầu tháng 1/2019, cả nước nhập tới 6.362 ô tô nguyên chiếc, trị giá đạt gần 158 triệu USD, tăng 135 lần về lượng và 29 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó ôtô dưới 9 chỗ ngồi chiếm phần lớn với 4.264 xe, tổng trị giá gần 96 triệu USD. Như vậy, trị giá bình quân một chiếc xe du lịch nhập về là 22.500 USD (chưa thuế), tương đương 523 triệu đồng.
Hay như việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản cũng là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Sở dĩ như vậy là bởi Việt Nam vốn là một quốc gia nông nghiệp và trong khi các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn đang vất vả để tìm đường ra nước ngoài nhằm cải thiện thu nhập của người nông dân và mang về thêm ngoại tệ cho đất nước, thế nhưng tại sân nhà nông sản ngoại vẫn tràn ngập, cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng nông sản trong nước. Đơn cử như 15 ngày đầu tháng 1/2019, cả nước đã tiêu tốn 79,88 triệu USD để nhập khẩu các mặt hàng rau quả, gần bằng một nửa so với kim ngạch xuất khẩu rau quả trong thời gian này là 166,54 tỷ USD.
Vẫn biết, cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, đời sống của người dân cũng ngày một nâng cao, kéo theo đó là nhu cầu tiêu dùng cũng cao hơn. Thế nhưng xét về cơ bản Việt Nam vẫn là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp và thu nhập bình quân đầu người vẫn ở hàng thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực, song mức độ “sài sang” là không hề thua kém, thậm chí còn có phần hơn. Bằng chứng là trong số ôtô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam trong những ngày đầu năm, có những chiếc xe có giá lên tới hơn 20 tỷ đồng.
Rõ ràng, trong bối cảnh đất nước còn nghèo, đang cần phải huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn nội lực để đưa nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình thì việc tiết kiệm nguồn lực là hết sức cần thiết. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được cũng như các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ chẳng những đã hoang phí một lượng không nhỏ nguồn lực này mà còn gây phương hại đến sản xuất trong nước. Đồng thời nó cũng có thể khiến tình trạng nhập siêu quay trở lại từ đó gây ra những bất ổn cho nền kinh tế như thời gian trước đây. Kho dự trữ ngoại tệ để làm bộ đệm cho nền kinh tế đối phó với các cú sốc bên ngoài mà chúng ta phải vất vả mới nâng lên mức 60 tỷ USD như hiện nay cũng có thể bị bào mòn vì nhập siêu.
Bởi vậy, việc kiểm soát chặt nhập khẩu các mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ là điều cần phải làm ngay.