Nhiều khoảng trống để khai thác từ thị trường CPTPP
Cổ phiếu bật tăng nhờ CPTPP | |
Kỳ vọng gì khi CPTPP được ký kết | |
CPTPP thúc đẩy cải cách trong nước |
Mặc dù thiếu Hoa Kỳ, song với 11 quốc gia thành viên, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vẫn mở ra thị trường rộng lớn cho Việt Nam để gia tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư. Hiện nay, trong số 10 thành viên còn lại của CPTPP (gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore), Nhật Bản là đối tác có quan hệ thương mại và đầu tư lớn nhất với Việt Nam.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, hiện nay Nhật Bản đứng thứ 4 trong tổng số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ buôn bán hàng hóa với Việt Nam (sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ). Trong năm 2017, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 16,84 tỷ USD, tăng 14,8% so với năm 2017. Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Nhật Bản trong năm 2017 vừa qua là dệt may đạt 3,11 tỷ USD, tăng 7,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,18 tỷ USD, tăng 13,9%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 1,72 tỷ USD, tăng 9,9%; hàng thuỷ sản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 18,6%… Đáng chú ý các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta sang Nhật đều có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở lĩnh vực nhập khẩu, tính chung cả năm 2017 cả nước chi 16,59 tỷ USD nhập khẩu hàng hoá từ Nhật Bản, tăng 10,1% so với năm 2016. Mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Nhật Bản là máy móc, thiết bị với kim ngạch 4,26 tỷ USD, tăng 2,2% so với năm trước; sắt thép đạt 1,37 tỷ USD, tăng 20,8%... Như vậy, trong năm vừa qua nước ta thặng dư thương mại khoảng 250 triệu USD với Nhật Bản.
Ngoài Nhật Bản, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam là thành viên CPTPP có trị giá kim ngạch thương mại song phương lên đến hàng tỷ USD mỗi năm có thể kể đến như Singapore, Malaysia, Australia, Canada… Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường lớn là thành viên CPTPP gồm phương tiện vận tải; máy móc; điện thoại; máy tính; dệt may; hàng thủy sản... Tuy nhiên, cũng còn một số quốc gia có quan hệ thương mại khá lỏng lẻo với Việt Nam như Brunei, Peru, Chile; nhất là Brunei khi kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và quốc gia này chỉ đạt chưa đầy 100 triệu USD trong cả năm 2017.
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu sang các quốc gia CPTPP khoảng 31,318 tỷ USD, tập trung vào nhóm hàng nông sản (chiếm 11%), sản phẩm chế tạo (chiếm 27%), máy móc và thiết bị (chiếm 33%). Hiện tại, Việt Nam mới tập trung xuất khẩu vào 4/10 thị trường CPTPP. Bên cạnh đó, trong số 10 đối tác trong CPTPP thì chỉ còn Mexico, Canada và Peru là Việt Nam chưa ký kết FTA.
Ông Thắng nhận định, điều này cho thấy vẫn còn nhiều khoảng trống thị trường để DN Việt Nam khai thác. Vì vậy, CPTPP sẽ tạo điều kiện để Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hạn chế tập trung xuất khẩu vào một số ít quốc gia. Như vậy, mặc dù Mỹ không tham gia nhưng với thị trường 500 triệu dân của các nước CPTPP thì lợi ích đối với Việt Nam tương đối rõ rệt.
Cả Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều đưa ra những dự báo khả quan về tác động của CPTPP đến GDP Việt Nam, với mức tăng trưởng thêm cho đến năm 2030 lần lượt là 1,1% và 1,32%. Xuất khẩu của Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tăng trưởng thêm 4% nhờ việc 100% các loại hàng hóa sẽ được giảm thuế về mức 0% theo lộ trình 7 năm (riêng đối với Việt Nam lộ trình có thể kéo dài 7-10 năm).
Xét về thu hút đầu tư, hiện tại Việt Nam chủ yếu thu hút vốn nước ngoài từ 5/10 quốc gia trong CPTPP gồm Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Canada và Australia. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Nhật Bản và Singapore hiện đang là 2 trong số 3 đối tác rót vốn lớn nhất vào Việt Nam. Luỹ kế đến hết năm 2017, vốn FDI thu hút được từ 2 quốc gia này lần lượt là 49,4 tỷ USD và 42,2 tỷ USD. Ngoài ra, Malaysia hiện cũng là NĐT nước ngoài lớn của Việt Nam với số vốn đăng ký đạt khoảng 12,1 tỷ USD, xếp vị trí thứ 7; Canada đạt 5,1 tỷ USD và Australia 1,8 tỷ USD. 5 quốc gia còn lại trong CPTPP đều đã có NĐT tại Việt Nam, tuy nhiên số vốn rót vào còn khá nhỏ.