NHNN và OUB chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Basel II
Đẩy mạnh quản trị theo chuẩn mực quốc tế | |
Chất lượng dữ liệu là nền tảng để áp dụng Basel II | |
Áp dụng Basel II: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho NHTM |
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Phạm Huyền Anh - Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, việc triển khai thực hiện Basel II trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Trong thời gian vừa qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của các đơn vị trong ngành Ngân hàng và sự trợ giúp tích cực từ các dự án hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ quốc tế, NHNN đã triển khai được các nhiệm vụ quan trọng, tạo nền tảng, tiền đề tốt cho việc đẩy mạnh triển khai Basel II theo kế hoạch đề ra.
Quang cảnh buổi Tọa đàm |
Tuy nhiên, việc triển khai Basel II hiện có các khó khăn, thách thức cần được xử lý, đó là: Khuôn khổ pháp lý liên quan (kế toán, tài sản bảo đảm…) còn bất cập; Các thị trường chính thức chưa phát triển đẩy đủ; Nguồn nhân lực và năng lực tài chính của các TCTD còn hạn chế; Bộ máy quản lý rủi ro hoạt động chưa thực sự hiệu quả; Cơ sở dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin chưa đáp ứng được các yêu cầu quản lý rủi ro theo Basel II.
Do vậy, để có được kinh nghiệm khắc phục các khó khăn, vướng mắc trên, Tọa đàm này được tổ chức để chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia, cán bộ thực hành giàu kinh nghiệm của UOB về các nội dung liên quan, gắn với các nhiệm vụ, công việc trong giai đoạn triển khai Basel II tại Việt Nam hiện nay.
Tại buổi Tọa đàm này, các chuyên gia của UOB - Singapore đã thuyết trình, giới thiệu nội dung và kinh nghiệm triển khai về khuôn khổ Basel II, trong đó Basel II có ba trụ cột chính là: Các yêu cầu về vốn tối thiểu; Quy trình rà soát giám sát và Các yêu cầu về nguyên tắc thị trường (công khai thông tin).
Bên cạnh đó, các chuyên gia đã giới thiệu về các tham số trong phương pháp tiếp cận dựa trên hệ thống đánh giá xếp hạng nội bộ (IRB), 3 phương pháp tiếp cận đối với rủi ro tín dụng, các tham số trong phương pháp tiếp cận dựa trên xếp hạng nội bộ theo Basel II, các nguyên tắc của khuôn khổ quy trình đánh giá an toàn nội bộ (ICAAP).
Thêm vào đó, các chuyên gia cũng đã trình bày kỹ kinh nghiệm triển khai Basel II, trong đó phải xây dựng được các cấu phần then chốt, xác định được cấu trúc quản trị dự án phù hợp, nâng cao vai trò của Ban Lãnh đạo các NHTM trong việc triển khai Basel II; những vướng mắc, khó khăn có thể gặp phải khi triển khai Basel II và kinh nghiệm xử lý; hệ thống công nghệ thông tin và các thách thức khi triển khai Basel II…
Ngoài ra, tại buổi Tọa đàm, các đại biểu và các chuyên gia cũng đã trao đổi sôi nổi về các vấn đề liên quan tới thực tế triển khai Basel II tại Việt Nam như: Thu hẹp, tiến tới xóa bỏ khoảng cách hiện tại của 10 ngân hàng tại Việt Nam được lựa chọn thí điểm trển khai Basel II so với các yêu cầu của Basel II; Xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai Basel II phù hợp với tình hình hiện nay của NHNN và các NHTM; Xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm đáp ứng yêu cầu của Basel II; Thiết lập cơ chế phối hợp, hỗ trợ và giám sát giữa NHNN và các NHTM phù hợp với tiến trình triển khai Basel II; Ban hành quy định về tỷ lệ an toàn vốn phù hợp với yêu cầu của Basel II…