Nhượng quyền đường sắt hút vốn tư nhân
Nhà đầu tư hào hứng
Những ngày đầu tháng 1/2016 vừa qua, hai tập đoàn tư nhân lớn trong nước là VinGroup và SunGroup đã bắt đầu cắt cử một số kỹ sư trực tiếp đến phối hợp làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để nghiên cứu, khảo sát cụ thể về các khả năng đầu tư vào các dự án hạ tầng đường sắt mà hai đơn vị này đã có kế hoạch từ năm 2015.
Cụ thể, trong năm 2015, Tập đoàn VinGroup đã ngỏ ý mua lại 3 nhà ga chính là ga Hà Nội, ga Sài Gòn và ga Đà Nẵng. DN này cam kết, nếu việc mua bán tiến hành thành công, VinGroup sẽ đầu tư mạnh vào hạ tầng để xây dựng các ga đường sắt hiện đại tại vị trí mới nhằm giảm tải áp lực giao thông cho khu vực nội đô của các thành phố lớn.
Khối DN tư nhân tham gia đầu tư sẽ cải thiện mạnh mẽ chất lượng dịch vụ các tuyến đường sắt |
Trong khi đó, SunGroup cũng lên kế hoạch mua lại các tuyến tàu trọng điểm. Đơn vị này thông tin rằng, họ đang sở hữu nhiều khu du lịch sang trọng nhất Việt Nam, vì vậy nếu mua lại các tuyến tàu trọng điểm như các tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, Sài Gòn - Đà Nẵng… đồng thời bỏ tiền đầu tư mới khoảng vài chục toa tàu hiện đại thì họ sẽ khai thác được tối đa lượng khách hàng vận chuyển bằng phương tiện đường sắt trong các năm tới.
Thực tế, ngoài hai DN lớn nêu trên, trong thời gian qua hoạt động đầu tư vào lĩnh vực đường sắt đã bắt đầu khởi sắc bằng nhiều dự án nhỏ.
Tại phía Bắc, từ việc mở màn bằng dự án xây dựng, kinh doanh Trung tâm đường sắt logistics Yên Viên (do Công ty liên doanh đường sắt Logistics ILT làm chủ đầu tư), đến nay đã có khoảng 20 đơn vị tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án cải tạo toa tàu. Từ đó đã có trên 40 toa tàu được nâng cấp tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng, làm thay đổi khá rõ nét chất lượng dịch vụ trên các tuyến tàu từ Hà Nội đi các tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Tại phía Nam, hoạt động đầu tư cũng không kém phần sôi động. Các DN như CTCP TM-DV Bạch Đằng (Đà Nẵng) Công ty TNHH Express Trains, Công ty TNHH Bình Tiên (TP.HCM) cũng bắt đầu ngỏ ý đầu tư vào các dự án kêu gọi xã hội hóa như dự án tuyến đường sắt ga Đà Lạt - Trại Mát, tuyến Sài Gòn – Nha Trang…
Không chỉ các nhà đầu tư nội địa hứng khởi, trong năm qua, các DN khối ngoại đến từ Pháp, Italia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu chú ý mạnh đến việc bỏ vốn vào các tuyến đường sắt mới hoặc hợp tác nâng cấp các tuyến đường sắt trọng điểm đã có sẵn.
Chẳng hạn, vào giữa tháng 11/2015, Tập đoàn EDES (Hoa Kỳ) đã chính thức ký bản ghi nhớ hợp tác đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Tập đoàn này dự kiến sẽ đầu tư khoảng 3,6 tỷ USD vào tuyến đường sắt này, đồng thời sẽ sử dụng hệ thống năng lượng gió và mặt trời tại các ga để giảm chi phí mua điện và hạ giá thành dịch vụ vận chuyển.
Trong khi đó, mới đây Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cũng đã cử đại diện tới Việt Nam đàm phán về việc sẽ hỗ trợ 3 dự án hợp tác công – tư trong lĩnh vực đường sắt là Dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, Sài Gòn – Lộc Ninh và Dự án đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Nếu việc hợp tác suôn sẻ, dự kiến ngay trong quý I/2016 các dự án này có thể bắt đầu thực hiện.
Nửa nhu cầu vốn vẫn đợi DN
Theo tính toán của Bộ GTVT, trong giai đoạn 2015-2020, nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông ước khoảng 965 nghìn tỷ đồng. Trong số này, khả năng huy động từ ngân sách và vay lại từ nguồn vốn ODA chỉ chiếm khoảng 47%; số còn lại sẽ phải huy động từ khối DN tư nhân trong và ngoài nước. Điều này có nghĩa rằng từ 2016 trở đi, mỗi năm nhu cầu huy động vốn xã hội đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông sẽ ở mức khoảng 100 ngàn tỷ đồng.
Riêng với lĩnh vực đường sắt, hiện nay, ngành GTVT đang đề xuất 12 danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa, bao gồm các dự án thí điểm nhượng quyền quản lý, kinh doanh khai thác một số tuyến đường sắt và các dự án đầu tư hệ thống nhà ga, kho, bãi hàng theo hình thức nhượng quyền, hợp tác công – tư hoặc BOT.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất 4 danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa đối với đường sắt xây dựng mới, trong đó có các dự án lớn như xây mới một số tuyến nối cảng biển; đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa tuyến Hà Nội - TP.HCM.
Với hoạt động đầu tư khá sôi động của khối DN tư nhân trong và ngoài nước như trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng khả năng bật lên mạnh mẽ của hoạt động đầu tư vào đường sắt trong vòng 2-3 năm tới là hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề thủ tục pháp lý về đầu tư. Bởi mặc dù một số dự án thí điểm xã hội hóa đã được triển khai nhưng sự phân cấp quản lý, sở hữu tài sản kết cấu hạ tầng vẫn bị chồng chéo giữa các đơn vị ngành đường sắt dẫn đến lúng túng trong xử lý các hợp phần của dự án và tính toán phương thức thu hồi vốn cho các nhà đầu tư bên ngoài.
Ở một góc nhìn rộng hơn mà mới đây, Bộ GTVT đã có những tổng kết đó là Luật Đường sắt 2006 đang có nhiều điều khoản không còn phù hợp. Chính vì thế, ngay trong năm 2016, Bộ này đã chỉ đạo ngành đường sắt gấp rút phối hợp với các cơ quan để xây dựng và trình Quốc hội Luật Đường sắt sửa đổi. Đồng thời kiến nghị Chính phủ sửa đổi các nghị định liên quan như nghị định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, ban hành các thông tư hướng dẫn phương thức thu phí, giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư. Ngoài ra cũng nghiên cứu ban hành sớm các quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện đầu tư, hợp đồng mẫu cho các dự án hợp tác công - tư lĩnh vực kết cấu hạ tầng đường sắt để làm cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư tham chiếu, thực hiện. |