Niềm tin từ tem truy xuất nguồn gốc nông sản
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 9 tỷ USD trong quý đầu năm | |
Big C hỗ trợ nông dân bán củ cải trắng | |
Nông sản hữu cơ vẫn khó tiêu thụ |
Phân biệt thật giả
Trước thực trạng “vàng thau lẫn lộn” trên thị trường, thời gian gần đây việc dán tem truy xuất cho nông sản đã được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng, tập trung nhiều vào các loại nông sản đã có thương hiệu trên thị trường. Từ đó, giúp cho các “thượng đế” dễ dàng phân biệt được hàng giả, hàng nhái…
Cần đẩy mạnh việc dán tem truy xuất cho các sản phẩm |
Sản phẩm nhung hươu ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), một trong những thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Mới đây, tại Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác năm 2018, để bảo vệ thương hiệu sản phẩm truyền thống của địa phương, UBND huyện Hương Sơn đã tổ chức các gian hàng giới thiệu nhiều sản phẩm nhung hươu Hương Sơn được dán tem truy xuất nguồn gốc. Điều này, giúp cho nhiều khách hàng mua đúng sản phẩm nhung hươu Hương Sơn “xịn”.
Theo ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Công ty Vina CHG (công ty cung cấp giải pháp tem truy xuất nguồn gốc), việc dán tem trên sản phẩm nhung hươu Hương Sơn là giải pháp giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra chính xác, đầy đủ về thông tin xuất xứ, công dụng, đặc biệt tránh mua nhầm sản phẩm giả.
Đồng thời, giúp nhà phân phối quản lý, quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả hơn. Theo đó, chỉ bằng việc dùng các ứng dụng quét QR code phổ biến như Zalo, Viber trên điện thoại thông minh, người dùng có thể biết ngay về xuất xứ của sản phẩm, hoặc nhắn tin đến tổng đài để kiểm tra hàng thật, hàng giả nhanh chóng.
Tương tự, tại địa phương lân cận là Nghệ An, việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho nông sản cũng được tỉnh chú trọng, đặc biệt là cho thương hiệu nông sản nổi tiếng ở Nghệ An - cam Vinh.
Cụ thể, để tránh tình trạng thật giả lẫn lộn của các sản phẩm cam Vinh trên thị trường, cơ quan chức năng ở địa phương đã tiến hành dán tem nhãn cho cam tại 12 xã thuộc 5 huyện bao gồm, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và Nghĩa Đàn.
Thông qua tem được dán trên từng quả cam, người mua hàng chỉ cần dùng điện thoại thông minh, có cài đặt ứng dụng phần mềm quét mã QR để đọc các thông tin truy xuất nguồn gốc (được mã hóa dưới dạng QR code) của sản phẩm đó. Từ đây, có thể dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, biết rõ được sản phẩm mình mua xuất xứ từ đâu, chất lượng thế nào. Với đặc tính mọng nước, thơm, ngọt, cam Vinh từ lâu đã trở thành một đặc sản ở Nghệ An. Trước đó, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cũng đã công bố vùng chỉ dẫn địa lý “cam Vinh”.
Cũng liên quan đến việc dán tem truy xuất cho các sản phẩm, mới đây nhất UBND TP. Đà Nẵng cũng đã phê duyệt đề án triển khai thí điểm dán tem QR code kiểm soát đối với một số sản phẩm thực phẩm sản xuất trên địa bàn.
Theo đó, đề án sẽ tổ chức khảo sát hiện trạng, phân tích đánh giá, hoàn thành các chuyên đề thành phần, đề xuất giải pháp, xây dựng phần mềm quản lý mã QR code và cơ sở dữ liệu quản lý và khai thác thông tin nhằm phục vụ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng điện thoại di động thông minh.
Đồng thời, triển khai thí điểm dán tem QR code với quy mô khoảng trên 1 triệu tem/năm đối với thực phẩm đã qua sơ chế, chế biến sẵn như mắm, chả, nem, đồ thủy sản khô rim...
Các bên đều có lợi
Thông thường, hiện nay để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các cơ sở sản xuất, HTX đang áp dụng biện pháp mã hóa thông tin sản phẩm. Trong đó, phổ biến nhất là dùng mã QR (Quick Response - mã phản hồi nhanh). Mã QR hai chiều có thể lưu giữ hàng nghìn ký tự. Nhờ vậy, QR dễ dàng mã hóa mọi dữ liệu trực tuyến. Khi đó, bằng điện thoại thông minh có cài ứng dụng quét mã QR, “thượng đế” có thể tra cứu thông tin chi tiết về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Tránh được tình trạng mất tiền, lại mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc…
Trên thực tế, với việc áp dụng các giải pháp công nghệ trong việc dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản đã và đang giúp cho khách hàng, nhà sản xuất đến cơ quan quản lý cùng có lợi. Theo đó, đối với người tiêu dùng trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái đang tràn lan trên thị trường như hiện nay, thì giải pháp tem truy xuất là một phương án tối ưu.
Bà Đặng Thanh Tùng, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng) chia sẻ, hàng ngày đi chợ nếu chỉ nhìn vào mắt thường rất khó phân biệt được hàng giả hay hàng thật. Với các sản phẩm có dán tem truy xuất, dù giá có cao hơn nhưng yên tâm hơn rất nhiều về chất lượng. Khi mình truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm đó. Thực tế, hiện nay ngoài việc mong muốn được sử dụng những sản phẩm có chất lượng, tâm lý của người tiêu dùng có muốn quy trình sản xuất, hàm lượng… đặc biệt là những sản phẩm phục vụ cho bữa ăn hàng ngày.
Về phía các cơ sở sản xuất, DN hay các HTX khi áp dụng giải pháp dán tem truy xuất cho các sản phẩm của mình sẽ nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Giải pháp này sẽ góp phần để DN xây dựng thêm sự uy tín của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, đây còn là công cụ để đối phó với tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bởi, mỗi sản phẩm đều được dán một mã riêng, khi đã được bán ra trên thị trường, tem sẽ bị hủy và không thể tái sử dụng cho mục đích làm nhái. Về lâu dài, các cơ sở sẽ không phải tốn kém kinh phí để giải quyết các rắc rối nảy sinh từ vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu. Trong khi đó, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, giải pháp dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cũng sẽ dễ dàng hơn trong công tác quản lý thị trường.
Có thể khẳng định, việc dán tem truy xuất cho nông sản đang mang lại rất nhiều tiện ích, có lợi cho nhiều bên. Song, trên thực tế hiện nay số lượng nông sản hay sản phẩm khác được dán tem truy xuất còn khá hạn chế. Bởi vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cũng như nhà sản xuất cần có các giải pháp đẩy mạnh thực hiện. Từ đó, góp phần khuyến khích sản xuất sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn, truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm trên thị trường, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.