Nỗi lo của ngành Nông nghiệp
Nút thắt trong nông nghiệp công nghệ cao | |
Nông nghiệp đột phá |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thuỷ sản tháng 12/2017 ước đạt 3,13 tỷ USD, đưa tổng giá trị XK năm 2017 của lĩnh vực này đạt 36,37 tỷ USD.
Tuy nhiên, song song với đó, giá trị nhập khẩu (NK) nông, lâm, thủy sản tháng 12/2017 ước đạt 2,46 tỷ USD, đưa giá trị NK nông, lâm, thủy sản trong 12 tháng năm 2017 đạt 27,82 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Chi phí sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện còn quá cao |
Như ngành chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm qua phải chi gần 6 tỷ USD để NK nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm thịt, trứng, sữa... trong khi XK chỉ đem về khoảng 475 triệu USD, toàn ngành nhập siêu hơn 5,5 tỷ USD. Nếu chỉ tính chênh lệch thương mại các sản phẩm đầu ra của chăn nuôi (thịt, trứng sữa, mật ong...), cả nước chi 540 triệu USD để NK, trong khi XK chỉ thu về 368,5 triệu USD, như vậy thâm hụt thương mại 171,5 triệu USD. Vốn là một nước sản xuất nông nghiệp nên khi nhìn những con số trên không thể không lo cho “số phận” của các sản phẩm nông nghiệp Việt trên sân nhà.
Mặc dù trong những năm qua, để giảm áp lực NK thức ăn chăn nuôi, nhất là NK ngô, Bộ NN&PTNT đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất ngô nhưng dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả.
Theo TS. Bùi Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô, nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng nhanh, chính sách NK ngô hạt đã tác động gián tiếp tới sản xuất ngô trong nước. Cùng với đó là sự suy giảm diện tích trồng ngô, nhất là diện tích trồng ngô vụ Đông ở vùng Đồng bằng sông Hồng... đã khiến hàng năm Việt Nam phải chi một số tiền không nhỏ để NK ngô.
Tuy nhiên, “nguyên nhân sâu xa hơn không thể không thừa nhận là giá ngô trong nước cao hơn ngô NK khiến DN chế biến không mặn mà với ngô nội”, ông Cường nói.
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết của ngành nông nghiệp năm 2017 mới đây, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, ngành nông nghiệp đang đứng trước một mối lo là “XK một nhưng NK hai”.
Theo ông Hoan, chi phí sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam quá cao trong khi công tác chế biến, chất lượng nông sản vẫn còn nhiều điều phải bàn. Ông Hoan cho rằng: “Nếu tiếp tục sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, không kiểm soát được đầu vào... ắt chi phí sẽ cao. Chỉ khi nào người nông dân tham gia vào HTX, từ đó chi phí sẽ giảm và chất lượng nông sản mới được cải thiện”.
Bà Thái Hương, Tổng giám đốc BacA bank cho rằng, “chìa khoá” để nông nghiệp công nghệ cao thành công, phát huy được tác dụng là cần phải có một tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm nông sản, tiêu chuẩn đó theo thông lệ quốc tế. Trước tiên sản phẩm phải được người dùng trong nước ưu tiên đón nhận và sau đó tiến tới XK.
Chỉ ra rất nhiều cơ hội cho XK sản phẩm nông nghiệp nói chung và trái cây nói riêng trong thời gian tới, ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đánh giá, so với Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam có lợi thế hơn là có thể xuất khẩu rau quả quanh năm, tương lai sẽ trở thành đối trọng lớn trên thế giới về XK mặt hàng này.
Để biến cơ hội thành hiện thực, cần tập trung xây dựng liên kết vùng nguyên liệu, đẩy mạnh liên kết giữa Viện nghiên cứu với DN, HTX để ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ sẽ tập trung nhiều hơn ở công tác chế biến. Hiện đã và đang khởi công 5-6 nhà máy ở 6 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, tập trung vào những nhà máy lớn với công suất và công nghệ hiện đại.
Với tổng công suất dự kiến các nhà máy này khởi công đưa vào sản xuất của năm 2018 và đầu năm 2019 tới một triệu tấn, tức là bằng công suất của 142 nhà máy vừa qua. “Chúng ta phải đi từ những tiền đề là các nhà máy quy mô, công suất lớn và công nghệ hiện đại này để định dạng vùng nguyên liệu, đảm bảo hình thành mối liên kết chặt chẽ với bà con nông dân thông qua các HTX kiểu mới, thông qua các trang trại…”, ông Cường cho biết.