Thấp thỏm làm ăn với thương lái
Nâng cao vị thế ngành nông nghiệp Việt | |
Tái cơ cấu nông nghiệp: Hướng tới phát triển bền vững | |
Vốn tín dụng thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp |
Ông Trần Thế Hùng, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết, cách đây vài tháng, nhiều hộ nuôi cá tra vui mừng vì giá bán cá tra nguyên liệu cho thương lái Trung Quốc khá cao, trung bình 23.000đ - 25.000đ/kg, tăng 10 – 15% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đặc biệt, các thương lái này chỉ tập trung thu mua cá có kích cỡ, trọng lượng lớn khoảng trên dưới 1kg/con, trong khi phần lớn nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu trong nước lại chủ yếu mua loại cá có trọng lượng trung bình 700 – 900gr/con.
Thường đối với loại cá nguyên liệu đúng độ tuổi, có kích cỡ, trọng lượng vừa phải sẽ cho ra thành phẩm thịt cá trắng, ngon, đáp ứng đúng yêu cầu nhà nhập khẩu chứ không như đối với thịt nguyên liệu của loại cá “quá lứa”.
Ảnh minh họa |
Mặc dù với kinh nghiệm của người nuôi là vậy và cũng có một chút thắc mắc đối với nhu cầu mua nguyên liệu khác lạ từ thương lái Trung Quốc, song vì thấy lợi trước mắt, nên nhiều hộ nuôi trồng vẫn nhắm mắt làm ngơ, bởi nếu trừ chi phí, với giá bán cao như vậy, sau vụ nuôi, mỗi hộ gia đình sẽ cầm chắc phần thắng trong tay.
Thậm chí, một vài hộ trong huyện, dù đã ký hợp đồng cung ứng nguyên liệu cho chủ cơ sở thu mua, DN chế biến trong vùng nhưng cũng cố tìm cách đánh tháo, giữ lại một phần nuôi lớn sau đó mới bán cho lái buôn Trung Quốc, nhằm kiếm chênh lệch cao hơn.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh có hơn 1.400 cơ sở sản xuất, kinh doanh, ươm giống cá tra. Trong 6 tháng đầu năm nay, đã sản xuất được 125,60 triệu con giống, số lượng bột là 1.862 triệu con...
Kế hoạch năm 2016, Đồng Tháp đạt diện tích nuôi cá tra 2.100 ha và sản lượng 405.000 tấn. Nhưng trước tình hình nhiều hộ sản xuất cá nguyên liệu ham giá cao, găm hàng bán cho thương lái khiến cho nguồn cung đáp ứng cho những nhà máy chế biến bị thiếu hụt.
Không riêng gì ở một số huyện trên địa bàn của tỉnh Đồng tháp, hiện tượng này còn diễn ra ở một số tỉnh thành khác như An Giang, Cần Thơ... khiến nhiều nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu “kêu trời” vì thiếu nguồn nguyên liệu đáp ứng đúng yêu cầu chất lượng.
Điều đáng nói, hiện tượng thương lái Trung Quốc thu mua cá tra nguyên liệu kích cỡ lớn chỉ diễn ra ồ ạt, cao điểm trong vài tháng. Còn điểm hiện tại thì hoạt động thu mua này đã chậm lại rất nhiều. Một số hộ còn cho biết tình trạng, thương lái lật kèo, không tiếp tục “ăn hàng” nữa. Chính vì vậy, hiện trong ao của những hộ nuôi này còn tồn lại khá nhiều cá lớn chưa tìm được mối bán lại. Nếu có bán cũng chỉ có giá khoảng 16.000 – 17.000đ/kg bởi chất lượng giảm, khiến người nuôi lỗ nặng.
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã có công văn báo cáo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về tình hình xuất khẩu xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc. Tại công văn này, Vasep phản ánh hiện tượng nhiều thương lái Trung Quốc đặt hàng và thu mua cá tra cỡ vừa phải gây nên tình trạng thừa cá tra cỡ lớn và làm giảm mạnh giá, thiếu hụt nguồn cá tra nguyên liệu trong nước.
Để ổn định sản xuất, xuất khẩu cá tra, Vasep đề nghị Bộ NN & PTNT thống kê chính xác sản lượng cá tra còn tồn dư thực tế để có những đánh giá về cung cầu. Đồng thời khuyến cáo người dân nuôi trồng nên chú trọng về vấn đề chất lượng và phát triển bền vững lâu dài chứ không vì lợi ích trước mắt.
Trước đó, những câu chuyện tương tự về việc thu mua các loại nguyên liệu nông, thủy sản theo kiểu “lạ đời” của thương lái, DN Trung Quốc đã “dấy” lên không ít câu hỏi thắc mắc, ý kiến trái chiều như việc thu mua lá vải, lá điều khô, rễ cây tiêu, hay thu mua đỉa sống, móng và đuôi trâu bò... với mức giá cao khiến nhiều nông dân thấy lợi trước mắt mà bứt lá, nhổ rễ triệt hạ cây trồng, nuôi đỉa ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, giết hại trâu bò vật nuôi.
Theo nhận định của các chuyên gia thị trường, đây là những bài học đáng lưu tâm cho hộ nuôi và các DN muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Để ổn định và bền vững trong hoạt động kinh doanh, các hộ sản xuất, DN trong nước cần cân nhắc và thận trọng hơn trong khi ký hợp đồng, làm ăn với Trung Quốc.
Dự báo nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng nông thủy sản để phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, DN cần phải thận trọng và có những đánh giá đầy đủ hơn về cung cầu, sản lượng thực tế để cân đối các đơn hàng, cũng như cảnh giác trước những yêu cầu đặt hàng “lạ đời” của thương lái.