Nông nghiệp công nghệ cao thu hút đầu tư
Triển vọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Quế Võ | |
Dòng tiền đổ mạnh vào nông nghiệp | |
Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao |
Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những khó khăn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hạn chế về vốn đầu tư, nhất là vốn chi cho công nghệ. Theo tính toán, để trồng dưa lưới, thì suất đầu tư cho 1 ha nhà lưới đã dao động từ 2,5 đến 6 tỷ đồng về trang thiết bị kỹ thuật. Con số này khá lớn đối với các DNNVV hay HTX, mặc dù nếu đầu tư sẽ góp phần rất quan trọng để nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích cũng như thu nhập của nông dân.
Ngành nông nghiệp công nghệ cao của TP. HCM đang có những tín hiệu khả quan |
Khẳng định điều này, ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho biết, có gần 20 DN đăng ký đầu tư tại Khu nông nghiệp công nghệ cao của thành phố. Nhưng thực tế, hiện đã có một vài DN bị buộc phải xử lý và thu hồi lại đất đai do không đủ khả năng để triển khai dự án. Rất nhiều lý do khiến cho các DN nông nghiệp công nghệ cao khó phát triển, nhưng lý do lớn nhất vẫn là khó thu hồi vốn nhanh. Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực thâm dụng vốn rất lớn và rất lâu dài.
Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP.HCM vẫn có tín hiệu khả quan khi ông Cao Minh Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: “Trong giai đoạn 2010-2017, đã có 11 DN của thành phố đến đầu tư sản xuất nông nghiệp với tổng số vốn đầu tư hơn 1.215 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có một số mô hình liên kết giữa DN và hộ chăn nuôi tập trung tại tỉnh Tiền Giang. Qua phân tích thực trạng liên kết phát triển ngành nông nghiệp giữa thành phố và các tỉnh lân cận cho thấy, đã tận dụng tốt lợi thế so sánh về nguồn nhân lực chất lượng cao. Các tỉnh trong vùng cũng đã phát huy tốt thế mạnh về sản xuất các sản phẩm cây lương thực, gia súc, gia cầm, thủy sản đạt tiêu chuẩn an toàn để cung cấp cho TP.HCM”.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp TP.HCM, cơ cấu nông nghiệp thành phố trong thời gian qua tiếp tục phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với ứng dụng công nghệ cao. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của người nông dân, ngành nông nghiệp đang có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp như chuyển từ đất lúa và mía năng suất thấp sang cây trồng giá trị cao như rau, hoa cây kiểng, cỏ chăn nuôi... TP.HCM cũng đã thực hiện các chương trình liên kết, hợp tác nông nghiệp với các địa phương trong vùng thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN thành phố đến các tỉnh tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư phát triển ngành nông nghiệp.
Việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao được Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương rất chú trọng và tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Các chuyên gia cho rằng, làm nông nghiệp công nghệ cao cần phải có phương pháp phù hợp và xây dựng được mối quan hệ đối tác lành mạnh giữa các DN và cộng đồng xã hội; trong đó, người dân là khu vực sản xuất vệ tinh thông qua các đại diện chủ yếu là HTX.
Để nắm bắt và cùng tháo gỡ những khó khăn của DN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đã thành lập một tổ công tác tư vấn cho các DN, HTX về một số chính sách mới khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57 ngày 17/4/2018 của Chính phủ.
Thậm chí, trong quá trình tham khảo các chính sách hỗ trợ, có vấn đề gì chưa rõ thì DN, HTX có thể hỏi trực tiếp hoặc gửi thông tin tại các bộ phận một cửa hoặc có thể vào diễn đàn trên website của sở gửi câu hỏi và nhận câu trả lời. Về phía mình, các DN, HTX cũng mong có sự hỗ trợ về nguồn cung cấp giống tốt, hỗ trợ làm các quy trình VietGap, Global Gap hoặc các chứng nhận về mã vạch, truy xuất về nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp TP.HCM đã tạo điều kiện cho 31 DN khởi nghiệp tham gia các chương trình ươm tạo tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, công nghệ sinh học; tổ chức cho 600 lượt DN, HTX và tổ hợp tác tham gia lớp tập huấn về nâng cao năng lực kinh doanh và cung cấp kiến thức xây dựng thương hiệu, năng lực quản lý sản xuất nông nghiệp.
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai đầu tư một số dự án như mở rộng Khu Nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi; đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ; mở rộng Khu Nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi; và xây dựng Khu chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Bình Chánh.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp TP.HCM chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp để mở rộng việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp thành phố.