Phá thế yếu của DN Việt
Hai nút thắt cần tháo gỡ cho DN nhỏ | |
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV |
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất tại châu Á và được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong tương lai. Tính đến cuối năm 2015, Việt Nam có hơn 600.000 DN, đóng góp 40% GDP quốc gia.
Nhưng dù được coi là bộ phận quan trọng trong nền kinh tế, những DN này vẫn khó khăn khi đối mặt với áp lực từ các đối thủ nước ngoài. Đây là rào cản vừa giới hạn khả năng phát triển của DN, đồng thời cũng giới hạn tầm vóc của các DN Việt Nam trong dài hạn.
Với năng lực hiện có, DNNVV đang gặp trở ngại với yêu cầu của quá trình hội nhập đặt ra |
Tại rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị diễn ra gần đây bàn về năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vấn đề luôn được nêu ra là DN trong nước nhỏ và yếu, thiếu kinh nghiệm thương trường.
Đó cũng là lý do chính để người ta cho rằng DN Việt khó có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ ngoại, tập đoàn đa quốc gia với tiềm lực tài chính lớn mạnh, giàu kinh nghiệm. Những nhận định như vậy là hoàn toàn đúng, nhưng thay vì nhìn thẳng vào những yếu kém để tìm cách giải quyết, vạch ra hướng đi lên, thì dường như các DNNVV lại đang tìm cách trông chờ, ỷ lại vào sự bao bọc, hỗ trợ từ cơ chế chính sách.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia về năng lực cạnh tranh, đó là hướng suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và thụ động. Muốn vươn lên lớn mạnh thay vì mãi mãi nhỏ và yếu thì trước hết các DNNVV phải chủ động thay đổi cách nghĩ và hành động, thay vì trông chờ ỷ lại. Một DN cho dù quy mô nhỏ nhưng hiệu quả hoạt động, doanh thu tốt còn hơn rất nhiều lần DN “hoành tráng” về tài sản và mạng lưới hoạt động, nhưng kết quả kinh doanh kém cỏi…
Bàn về câu chuyện DNNVV trong nước khó “vươn vai” phát triển, ông Pieter Pennings, Phụ trách Chương trình Hỗ trợ tư vấn phát triển năng lực cạnh tranh dành cho DNNVV tại Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân cơ bản. Theo đó, ông cho rằng mặc dù Chính phủ Việt Nam đã triển khai những chương trình hỗ trợ vốn cho DNNVV, nhưng không phải DN nào cũng có thể thụ hưởng lợi ích từ những chương trình này. Rào cản chính là do các DN sổ sách kế toán không rõ ràng, thiếu tài sản thế chấp… dẫn đến thiếu vốn sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, DNNVV còn gặp khó khăn trong vấn đề tiếp cận và triển khai những công nghệ sản xuất, cung ứng dịch vụ và quản lý hoạt động kinh doanh; thiếu thốn về chuyên môn và các chuyên gia hoặc nhân lực có hiểu biết phù hợp để lựa chọn và triển khai công nghệ. Không ít trường hợp các DN có vốn để đầu tư vào công nghệ, nhưng lại lựa chọn công nghệ không phù hợp hoặc triển khai không hiệu quả, gây trở ngại trong quá trình sử dụng và thực hiện. Chính điều này đã khiến cho hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN Việt thấp.
Bên cạnh đó, nhiều DN thiếu năng lực nắm bắt thị trường để có thể xây dựng những kế hoạch đối phó với những kịch bản biến động gây khó khăn. Hệ quả dẫn đến việc sản xuất bị thu hẹp, hoạt động cầm chừng, không có khả năng bán được hàng hóa đã sản xuất dẫn đến tồn kho tích tụ và phát sinh chi phí.
Đối với những ngành có tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu, các DN còn gặp khó khăn trong việc dự báo doanh thu, lập kế hoạch kinh doanh, vận hành phù hợp với những biến động của thị trường và kinh tế thế giới.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2016, lũy kế trên cả nước đã có hơn 42.000 DN tạm ngừng hoạt động kinh doanh và hoàn tất thủ tục phá sản, trên tổng số 64.000 DN thành lập mới. Mặc dù trong 8 tháng qua đã có khoảng gần 17.000 DN quay trở lại hoạt động, nhưng theo tính toán thì mỗi ngày ở Việt Nam có 200 DN tạm ngừng hoạt động. Điều này cho thấy năng lực của các DN Việt để tồn tại và phát triển vẫn còn rất hạn chế.
Ở một góc độ khác, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh còn cho biết, năng lực quản lý, hiểu biết về pháp luật, cũng như khan hiếm nguồn nhân lực tay nghề cao cũng là yếu tố khiến các DNNVV gặp khó khăn trong việc cạnh tranh, tồn tại, cũng như thực hiện những bước chuyển mình cần thiết.
Đồng thời, một trong những vấn đề đáng được quan tâm trong bối cảnh hội nhập hiện nay chính là những phương án tiếp cận với chuỗi cung ứng và chiến lược chuỗi cung ứng vẫn còn hạn hẹp đối với các DN Việt Nam.
Ngay cả đối với TPP, các DNNVV cũng sẽ không dễ gì có thể thụ hưởng được những lợi ích. Mặc dù TPP được đánh giá là có lợi cho kinh tế Việt Nam trên phương diện vĩ mô, song thực tế với năng lực hiện có những DNNVV lại đang gặp trở ngại với nhiều yêu cầu của hiệp định và quá trình hội nhập đặt ra.
Vì vậy, đứng trước những thách thức trên, các DN cần tập trung đầu tư vào năng lực quản lý, chất lượng nguồn nhân lực, cũng như không ngừng cập nhật những kiến thức và nâng cao năng lực quản trị chuỗi cung ứng.
Một khi những hoạt động trong chuỗi cung ứng được quản lý hiệu quả, theo chuẩn mực thì DN có thể đạt được những cải thiện nhanh liên quan đến giảm chi phí, giảm vốn lưu động, rút ngắn thời gian sản xuất, linh hoạt hóa phản hồi với những biến động của thị trường và nâng cao hiệu suất vận hành trong tương lai.