Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV
Khách VIP của ngân hàng?! | |
Tìm giải pháp tài chính cho DNNVV | |
Cần nhất là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi |
Hiện, TP. Đà Nẵng có hơn 16.000 DNNVV, chiếm khoảng 96% tổng số DN trên địa bàn. DNNVV có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khi đóng góp gần 45% GDP, giải quyết 60% lao động...
Cần thiết lập chiến lược phát triển, mục tiêu cho DNNVV |
Tại hội thảo “Doanh nghiệp nhỏ và vừa - động lực phát triển kinh tế” do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Phát triển bền vững (CSD) và Công ty TNHH Nghiên cứu kinh tế và xuất bản J.A.Alpha Cheinai-Tamil Nadu (Ấn Độ) vừa tổ chức, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đánh giá, cộng đồng DNNVV đã giúp tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo; tạo việc làm cho người lao động, ổn định kinh tế - xã hội; Thu hút các nguồn vốn có trong dân cư, tăng chu chuyển dòng vốn của xã hội… Chính quyền thành phố kỳ vọng DNNVV sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp, tạo động lực cho thành phố phát triển...
Tuy có nhiều đóng góp, song trong thực tế cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước các DNNVV ở TP. Đà Nẵng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như, đa số DN có quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực để phát triển, thiếu vốn khó tiếp cận các nguồn vốn chính thức, thiếu kiến thức và kinh nghiệm quản lý, hạn chế thông tin thị trường, chất lượng lao động thấp.
Ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng cho biết, hầu hết các DNNVV trên địa bàn đều gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt các DN cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến thủy sản.
Nguồn vốn hạn chế, trình độ công nghệ ở mức trung bình, chưa áp dụng hệ thống quản lý khoa học, công cụ quản lý trong quá trình sản xuất và kinh doanh, khi mới chỉ có khoảng 30% DN áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000. Ngoài ra, còn những bất cập về trình độ quản lý, thiếu lao động có tay nghề cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chỉ đạt 45%...
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV, những năm gần đây chính quyền thành phố đã nỗ lực đồng hành cùng các DN để hoàn thiện môi trường kinh doanh và đầu tư; Triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ DNNVV phát triển, từng bước đưa TP. Đà Nẵng trở thành thành phố khởi nghiệp năng động của Việt Nam.
UBND TP. Đà Nẵng cũng đã thành lập cụm công nghiệp DNNVV hỗ trợ giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giao lưu kết nối DN, các hiệp hội thương, CLB Doanh nhân cũng như đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ pháp lý, đổi mới công nghệ và môi trường.
Đặc biệt, các TCTD trên địa bàn cũng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các DNNVV tiếp cận vốn vay, với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất và kinh doanh...
Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV, tại hội thảo nhiều chuyên gia cho rằng, chính quyền cần tạo điều kiện để DNNVV tham gia tích cực vào chuỗi giá trị sản xuất phân phối các hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế của địa phương.
Cần thiết lập chiến lược phát triển, mục tiêu cho DNNVV trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để Hiệp hội DNNVV và các DNNVV trên địa bàn có hướng phát triển và nỗ lực tốt hơn; Thúc đẩy sự phát triển thị trường dịch vụ tài chính, từ đó hỗ trợ vốn kịp thời và có hiệu quả cho các DNNVV trên địa bàn...
Bởi, trong thực tế nền kinh tế địa phương muốn tăng trưởng nhanh và bền vững thì phải nâng cao vai trò của các DNNVV và xem họ là động lực để phát triển… Về phía các DN cũng cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm mới, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và hạ giá thành sản phẩm; kiếm thị trường mới một khi các thị trường hiện tại đã bão hòa hoặc mức độ cạnh tranh cao.
Đồng thời, củng cố và phát triển thương hiệu, bởi thực tế hiện nay cho thấy, các DNNVV thường không mấy chú trọng tới chiến lược quảng bá thương hiệu cho sản phẩm của mình. Ngoài ra, các DNNVV cũng cần đẩy mạnh liên kết chặt chẽ với nhau để cùng phát triển.