Thu hút FDI: Tận dụng thời cơ hay “biếu không” cơ hội?
TIN LIÊN QUAN | |
Tạo điều kiện tối đa cho FDI | |
Vốn ngoại và những nét chấm phá | |
FDI vào Việt Nam: Vẫn canh cánh những nỗi lo |
Vào chuỗi rồi, vẫn bất an
Để có thể “thò một chân” vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia (TNC) lớn như Samsung, Canon… Công ty Công nghệ Bắc Việt (Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đã từng phải trả nhiều bài học đắt giá.
Ông Đặng Đức Dũng, một trong những thành viên sáng lập của DN nhớ lại, giai đoạn 2013-2014, cùng với những người cộng sự, ông đã dành rất nhiều thời gian đến các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc để tìm kiếm công nghệ có thể đáp ứng nhu cầu của các TNC này. Tuy nhiên, nỗ lực đầu tiên đã thành “vẽ đường cho hươu chạy”. Sau khi thăm dò nhu cầu của phía Việt Nam, các DN nước sở tại lại nhảy vào và tự mình đầu tư trực tiếp để cung cấp sản phẩm cho chính Samsung, Canon…
“Họ không có trách nhiệm phải liên doanh với chúng tôi vì chính sách không ràng buộc họ”, ông Dũng không quên sự thất vọng của mình khi đó.
Nhiều chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại, nếu DN nội không theo kịp thì việc vốn ngoại rút khỏi Việt Nam sẽ không còn là tương lai xa |
Trả giá thứ hai chính là của ngày hôm nay, DN phải liên tục xoay xở để không ngừng tốt lên trong cuộc hợp tác sòng phẳng với các TNC hàng đầu thế giới. “Chúng tôi có một nhà máy công nghệ cao nhưng nó không thể nào là công nghệ cao mãi được, mà phải liên tục đào thải, liên tục đổi mới”, ông chia sẻ với Thời báo Ngân hàng.
Vấn đề là với tiềm lực hạn chế, thì cập nhật và đổi mới công nghệ không ngừng đang là việc ngoài tầm tay của DN. Nói về cái khó hiện nay, ông cho hay DN vẫn đang trả nợ cho các khoản đầu tư ban đầu và không có sức để đầu tư tiếp trong khi công nghệ thì đổi mới từng ngày.
Mặc dù đối diện với khó khăn ngày một lớn, DN này vẫn bền bỉ duy trì sản xuất với quan niệm cơ hội hợp tác chỉ đến một lần và phải nắm chắc. “Những nỗ lực của Chính phủ trong hội nhập đã tạo ra thị trường, tạo ra nhu cầu để giải phóng sức sản xuất, kéo theo FDI vào là tất yếu”, ông Dũng quả quyết. “Chúng ta không thể nào từ chối FDI được, khi sản xuất theo chuỗi đã là xu hướng phổ biến trên khắp thế giới”.
Vấn đề này cũng đang nổi lên gần đây, khi ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng sự lấn át của nguồn lực sản xuất ngoại đang cướp dần cơ hội của DN nội. Đồng thời, các nỗ lực hội nhập của Việt Nam đang được khối FDI tận dụng tốt hơn hẳn so với DN trong nước.
Đặt trong bối cảnh thu hút FDI vừa trải qua một năm “nóng sốt”, thì những lo ngại đó càng có cơ sở. Kết thúc năm 2015, dòng vốn FDI đã tăng trưởng vượt bậc ở góc độ thu hút mới và tăng vốn. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt gần 23 tỷ USD, chỉ thua mức kỷ lục của năm 2008 là 71 tỷ USD. Trong khi đó vốn thực hiện thiết lập mức kỷ lục 14,5 tỷ USD, dấu hiệu ít thấy của các năm trước.
So sánh với thời điểm năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra rằng, cánh cửa hội nhập mở rộng đã tiếp tục mang lại những cơ hội cho thu hút FDI. Tuy nhiên cũng theo ông Thắng, sự phân công lao động ngày một rạch ròi của thế giới ngày nay sẽ khiến FDI không còn hứng khởi quá đà như trước.
Ông Thắng dẫn chứng, 2007 là năm bắt đầu thời kỳ tăng trưởng “nhảy vọt của vốn FDI đăng ký, khi số vốn tăng vọt từ mức 15 tỷ USD của năm 2006 lên hơn 21 tỷ USD. Và ngay sau đó, năm 2008, vốn FDI thiết lập kỷ lục 71 tỷ USD.
Tuy nhiên, cũng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì giai đoạn 2014-2015 vừa qua, lượng vốn vào không có hiện tượng nhảy vọt một cách đột biến như trước. Tới năm 2016, theo dự đoán của TS. Phan Hữu Thắng, vốn FDI đổ vào Việt Nam có thể chỉ tương đương năm 2015 hoặc tăng nhẹ.
Không mong “ăn đời ở kiếp”
Cùng chung dự báo FDI sẽ không còn quá “nóng sốt”, song TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định thêm, đó chưa hẳn là dấu hiệu đáng lo ngại.
Ông Kiên cho rằng, vốn FDI trong giai đoạn 2016-2020 sẽ không còn ồ ạt vào Việt Nam như giai đoạn vừa qua, và sẽ có rất ít dự án tỷ đô. Thay vào đó, phổ biến hơn là các dự án vài trăm triệu USD nhằm nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư đã vào. Đồng thời, sức sản xuất của các TNC sẽ dần đạt đến công suất thiết kế tối đa và không còn tăng cao nữa.
Tuy nhiên ông Kiên cũng trấn an, không nên nhìn nhận phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như nền kinh tế kế hoạch hoá, sản lượng năm sau phải cao hơn năm trước. Thay vào đó, cần chú trọng tới việc làm sao để năng suất cao hơn. “Miễn là họ giữ được thị trường, cải thiện đầu tư, nâng cao công nghệ, nâng cao năng suất lao động của nhà máy đang có… mới là hiệu quả nhất”, ông Kiên quả quyết.
Nhưng mặt khác, nhiều chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại, chỉ e nếu DN nội không theo kịp thì việc vốn ngoại rút khỏi Việt Nam sẽ không còn là tương lai xa. TS. Nguyễn Đức Kiên khẳng định, hội nhập đã tạo ra cơ hội tốt, song cũng đòi hỏi phía Việt Nam phải đổi mới mô hình tăng trưởng. Còn nếu cứ giữ mô hình như hiện nay thì 5-7 năm nữa các TNC nước ngoài cũng giảm dần sản lượng do nội lực không thể hỗ trợ được cho ngoại lực.
“Không thể đòi FDI dừng sản xuất 3-4 năm cho DN Việt Nam lớn lên, mà lập tức chúng ta phải đầu tư nhà máy”, ông Kiên nói.
Là người đã có hàng chục năm theo dõi và quản lý về đầu tư nước ngoài, TS. Phan Hữu Thắng càng lo ngại hơn về khả năng bật lên của DN trong nước, lý do là chính sách hiện nay chưa hỗ trợ được nhiều.
Ông phân tích, nhìn vào cơ cấu vốn FDI trong năm qua, hình thức DN 100% vốn FDI chiếm trên 86%, số dự án liên doanh rất ít… Điều này cho thấy, DN FDI ngày càng độc lập và không có trách nhiệm phải “xốc vai” DN nội. “Như vậy sẽ hạn chế tiếp thu, chuyển giao công nghệ, không phù hợp với mục tiêu thu hút công nghệ cao”, ông nhìn nhận.
Những DN như Công ty Công nghệ Bắc Việt có lẽ thấm thía hơn cả những khó khăn của DN nội khi kết nối với FDI về dựa vào “người khổng lồ mà đứng lên”. “Trong các cuộc gặp gỡ nhà cung ứng của Samsung, giữa hàng trăm DN thì DN Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi rất tự hào vì mình nằm trong số ít đó”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, niềm tự hào trên cũng song hành với lo ngại, bởi trong dài hạn, nếu khối DN nội chưa đủ lớn mạnh thì lợi thế cạnh tranh ngày càng vơi dần sẽ khiến cả nền kinh tế khó bật lên. Rõ ràng, phát triển DN nội không phải để “ăn đời ở kiếp” với bất kỳ TNC nào như Samsung hay Canon, mà chính là để hợp tác sòng phẳng và cân sức trong một thế giới hội nhập liên tục thay đổi.
“Nếu không kết hợp tốt giữa DN trong nước và FDI để cùng hình thành chuỗi giá trị thì 5-7 năm tới chúng ta sẽ mất động lực phát triển của nền kinh tế” - TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội |