Phát huy tiềm năng thị trường TPDN
Gắn thị trường trái phiếu với tiền tệ | |
Lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm: Nhẹ gánh ngân sách |
Đánh giá về thực trạng hiện nay, ông Phạm Phú Khôi, Phó tổng giám đốc VPbank cho biết, thị trường trái phiếu Việt Nam hiện có hai cấu phần là trái phiếu Chính phủ và TPDN. Trong những năm qua, đặc biệt là 5 năm gần đây, thị trường trái phiếu chính phủ của Việt Nam đã có bước tiến rất nhanh, không chỉ tăng mạnh về quy mô, mà chất lượng cũng phát triển theo chiều sâu, thanh khoản tốt và đã hình thành đường cong lợi suất tương đối chuẩn.
TPDN là một thị trường có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai của Việt Nam |
Tuy nhiên, thị trường TPDN của chúng ta lại chưa hình thành một cách thực sự theo chiều rộng và chiều sâu. Hiện nay, trên thị trường này chỉ có các công ty “top” đầu trên thị trường mới có thể phát hành thành công TPDN và đối tượng mua cũng chủ yếu là các NH. Hơn nữa, các NH cũng chủ yếu là mua và nắm giữ đến khi đáo hạn, bởi thị trường giao dịch thứ cấp TPDN chưa hình thành.
Lý giải về nguyên nhân vì sao mà thị trường TPDN hiện vẫn còn ở mức “èo uột” như vậy, ông Khôi cho rằng có rất nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đó yếu tố rất quan trọng khiến thị trường này chưa phát triển là vì chúng ta còn thiếu những điều kiện nền tảng.
Hiện tại, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng đã xây dựng và trình Đề án phát triển thị trường TPDN. Tại án này, HNX cũng đã thẳng thắn nhìn nhận một thực trạng là việc tổ chức giao dịch đối với TPDN đang phân tán thành: TPDN được niêm yết, TPDN giao dịch OTC. Các phương thức thanh toán chuẩn DVP chưa được áp dụng. Phương thức giao dịch không hợp lý. Tính chất của các giao dịch là thỏa thuận nhưng đối với giao dịch các trái phiếu niêm yết lại thực hiện theo khớp lệnh.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp lý chưa có nhiều điều khoản quy chuẩn để hỗ trợ thị trường thứ cấp hình thành và phát triển. Thị trường chưa áp dụng được thông lệ hạch toán theo giá trị thị trường mark to market. Hành lang pháp lý về tổ chức định mức tín nhiệm đã có nhưng chưa có tổ chức định mức tín nhiệm nào được thành lập. Hệ thống thông tin TPDN chưa được hình thành từ sơ cấp đến thứ cấp. Đối với chính sách quản lý tín dụng, TPDN trong danh mục nắm giữ của NHTM được tính vào chỉ tiêu tín dụng và không được tính vào danh mục đầu tư.
Từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới có thể thấy, để thị trường TPDN phát triển, bên cạnh khung pháp lý hỗ trợ đầy đủ, thì nhà đầu tư còn cần nhiều yếu tố khác. Đầu tiên là thông tin thị trường đầy đủ, minh bạch; thứ hai là có tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN; thứ ba là thị trường phải có thanh khoản; và thứ tư là công cụ phòng ngừa rủi ro…
“Tôi cho rằng, TPDN là một thị trường có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai của Việt Nam. Tuy nhiên, để thị trường này phát triển được cả chiều rộng lẫn chiều sâu cần phải có sự chung tay, góp sức của các cơ quan quản lý nhà nước và thành viên thị trường để cùng kiến tạo những điều kiện nền tảng”, ông Khôi nói.
Về phía DN, để có thể huy động vốn qua thị trường TPDN hiệu quả hơn, ông Khôi cho rằng điều này cũng giống như câu chuyện “con gà, quả trứng”. Thị trường trái phiếu doanh của Việt Nam đang ở mức sơ khai, do đó muốn phát triển cần sự hợp tác đa chiều.
Theo đó, DN muốn huy động được vốn qua phát hành TPDN thì trước tiên họ phải đủ mạnh và minh bạch. Ngược lại, cơ quan quản lý cũng cần có những hỗ trợ nền tảng để thúc đẩy, như hoàn thiện khung pháp lý đầy đủ; thúc đẩy hình thành tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN; có nơi cung cấp thông tin đều đặn, chính xác cho nhà đầu tư…
Trong mục tiêu hoàn thiện thị trường này, HNX đặt ra nhiệm vụ tập trung cải cách thủ tục hành chính, điện tử hóa và gắn hoạt động phát hành, kể cả ra công chúng hay phát hành riêng lẻ, với việc đăng ký lưu ký, đăng ký thông tin và đăng ký/niêm yết giao dịch.
Tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp các TPDN trên cơ sở phát huy và kế thừa mô hình tổ chức thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt. Tăng cường minh bạch hóa thông tin trên thị trường trái phiếu. Xây dựng trung tâm thông tin TPDN điện tử tập trung, thống nhất, tích hợp với hệ thống thông tin cấp quốc gia về toàn bộ thị trường trái phiếu Việt Nam, kể cả trái phiếu Chính phủ.
Cùng với đó là thúc đẩy tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam; tạo điều kiện đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, thu hút nhà đầu tư nước ngoài; đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán...