Gắn thị trường trái phiếu với tiền tệ
Thị trường trái phiếu: Muốn phát triển phải đa dạng hóa | |
Nhiều cơ hội ở thị trường trái phiếu | |
Tìm “bệ đỡ” từ thị trường trái phiếu |
Ngày 26/10, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ III và bầu ban lãnh đạo mới. Đánh giá cao nỗ lực của Ban lãnh đạo VBMA nhiệm kỳ II, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường trái phiếu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ DN và Chính phủ huy động vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh cũng như phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
“Trong những năm gần đây, hoạt động của thị trường trái phiếu Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước và là một bộ phận quan trọng của thị trường vốn Việt Nam”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại đại hội |
Theo đại diện NHNN, tính chung trong giai đoạn 2011-2015, quy mô thị trường trái phiếu đã có sự tăng trưởng mạnh so với giai đoạn 2005-2010. Đến cuối năm 2015, dư nợ thị trường trái phiếu bằng khoảng 24% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu Chính phủ (TPCP) đạt khoảng 16,2% GDP. Khối lượng huy động vốn cho ngân sách Nhà nước qua phát hành TPCP tăng gấp 13 lần so với giai đoạn 2005-2010…
Quy mô thị trường TPCP tăng nhanh trong 3 năm vừa qua, đến ngày 30/9/2016 tổng giá trị danh mục TPCP đang lưu hành đạt xấp xỉ 931 nghìn tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với giá trị danh mục cuối tháng 6/2013 (khoảng 500 nghìn tỷ đồng); thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện, giá trị giao dịch TPCP bình quân trong 9 tháng đầu năm 2016 khoảng 3.839 tỷ đồng/phiên so với mức 1.463 tỷ đồng/phiên năm 2013.
Số lượng và mức độ tham gia thị trường của các NH, tổ chức tài chính tăng nhanh. Bên cạnh thị trường TPCP, thị trường trái phiếu DN (TPDN) cũng có những bước tiến rõ rệt, tổng khối lượng phát hành trên thị trường sơ cấp trong 3 năm gần nhất lần lượt: năm 2015 là 54.313 tỷ đồng; năm 2014 là 63.546 tỷ đồng và năm 2013 là 57.649 tỷ đồng.
Không những thế, chất lượng sản phẩm giao dịch được cải thiện. Đặc biệt, việc áp dụng phương thức phát hành TPCP lô lớn đã góp phần tập hợp được quy mô đủ lớn cho mỗi mã TPCP lưu hành trên thị trường thứ cấp, dễ dàng tạo lãi suất tham chiếu cho các giao dịch TPCP. Kỳ hạn chuẩn của TPCP ngày càng đa dạng (với đầy đủ các kỳ hạn 3, 5, 10, 15 và 30 năm) và có xu hướng kéo dài thời gian đáo hạn trung bình là 7 năm, do vậy đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường tiếp tục được cải thiện về chất lượng.
Các sản phẩm mới liên tục được Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giới thiệu ra thị trường như trái phiếu long coupon, zero-coupon và sắp tới là bond future giúp nhà đầu tư có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm để đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng như có công cụ để phòng ngừa rủi ro…
Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, sự phát triển của thị trường trái phiếu chủ yếu là dựa trên sự phát triển của TPCP, trong khi TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng đối với các DN lại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Việc các DN phải vay vốn trung và dài hạn chủ yếu từ hệ thống NH đã tạo ra sức ép đến hệ thống NH trong việc quản trị rủi ro và cân đối nguồn vốn với điều kiện nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn. Qua đó cũng tạo áp lực đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Theo đó, trong thời gian tới các bộ, ngành cần có thêm các giải pháp để phát triển cân đối, hài hòa thị trường trái phiếu và thị trường tiền tệ, giảm áp lực cho hệ thống NH.
Qua 2 nhiệm kỳ hoạt động vừa qua, VBMA đã hoạt động rất năng động, thể hiện được vai trò xúc tác, cầu nối thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức tham gia thị trường vì sự phát triển chung của thị trường trái phiếu thông qua các đối thoại chính sách, tham gia ý kiến vào các dự thảo quy định pháp luật cũng như phổ biến chính sách, đào tạo cho các thành viên thị trường, cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý Nhà nước…
“Để tiếp tục phát huy vai trò của VBMA trong sự phát triển chung của thị trường trái phiếu, trong nhiệm kỳ tới, VBMA cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của NHNN để đề xuất các giải pháp phát triển của thị trường trái phiếu gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường tiền tệ; phát triển các công cụ phái sinh; nghiên cứu, và phối hợp với các Bộ, ngành để đề xuất các giải pháp đa dạng hóa các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu qua đó giảm áp lực cho hệ thống NH”, Phó Thống đốc đề nghị.
Đại hội VBMA nhiệm kỳ III đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 23 ủy viên. Ban chấp hành đã họp và bầu ra Ban Lãnh đạo Hiệp hội. Theo đó, ông Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội; 5 Phó chủ tịch gồm các ông: Quách Hùng Hiệp - hiện là Phó tổng giám đốc BIDV; Trịnh Hoài Giang - Phó tổng giám đốc CTCK HSC; Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng kinh doanh vốn VietinBank; Phan Thanh Sơn - Giám đốc Khối nguồn vốn và Thị trường tài chính Techcombank; và bà Nguyễn Thị Phượng - Phó tổng giám đốc Agribank. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh tiếp tục giữ vị trí Tổng thư ký Hiệp hội. |